Hành trình triệt phá băng tín dụng đen lớn nhất nước

Google News

Để làm rõ băng tín dụng đen Nam Long, Công an Thanh Hóa lập hai tổ công tác đặc biệt, tập trung phá án xuyên suốt 4 tháng.

Trong 4 tháng cuối năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp các đơn vị chức năng Bộ Công an thành lập chuyên án, triệt phá thành công băng tín dụng đen lớn nhất cả nước với vỏ bọc Công ty Tài chính Nam Long.
Đánh giá về chuyên án, đại tá Khương Duy Oanh, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: "Đây là vụ án được phát hiện với quy mô lớn nhất, phức tạp nhất ở nước ta”.
Cái chết bất thường của nhân viên tín dụng
11h30 trưa 19/7/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá tiếp nhận một bệnh nhân nam bị đa chấn thương, sau đó tử vong nên đã trình báo cơ quan công an. Qua khám nghiệm sơ bộ, Công an TP Thanh Hoá phát hiện nạn nhân tử vong do tác động ngoại lực, có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Hanh trinh triet pha bang tin dung den lon nhat nuoc
 Hình ảnh anh Minh bị tra tấn, đánh đập. Ảnh: Công an cung cấp.
Ngay sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khám nghiệm, xác định tung tích nạn nhân và điều tra làm rõ nguyên nhân.
Do nạn nhân không có giấy tờ tuỳ thân, cảnh sát tổ chức truy tìm tung tích và phát hiện anh ta được đưa đến bệnh viện từ lô 7, đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa. Xác minh địa chỉ này, cơ quan điều tra đã đưa 5 người có mặt ở đây về trụ sở Công an TP Thanh Hóa để làm rõ.
Từ đó, nhà chức trách xác định nạn nhân tên là Nguyễn Văn Minh (19 tuổi, ngụ Bắc Giang), nhân viên Công ty Tài chính Nam Long.
Từ tháng 4/2018, Minh làm việc tại chi nhánh Bắc Kạn. Tháng 7, anh này đi thu tiền nợ của khách hàng nhưng không nộp lại, đồng thời cầm cố xe máy của công ty (tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng) để tiêu xài cá nhân. Sợ bị phát hiện, trừng phạt, thanh niên này bỏ trốn. Sau đó, anh ta tự xoay xở tiền chuộc lại xe máy để trả lại cho công ty, đồng thời mong muốn được trả nợ.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Nam Long là Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, trú phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) không đồng ý. Thành đã bay từ TP.HCM ra Hà Nội, triệu tập các chi nhánh ở phía bắc, yêu cầu đi tìm Nguyễn Văn Minh để xử theo “luật công ty”.
Nhân viên công ty này đã đến nhà riêng và đi khắp nơi để tìm Minh. Do lo sợ, ngày 9/7, Minh đã liên hệ với Nguyễn Thành Long (20 tuổi, trú ở TP Uông Bí, Quảng Ninh) để nói việc mình đã trả lại xe, đề nghị trả lại tiền cho công ty.
Long hẹn gặp Minh tại một bãi đất trống ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại đó, Nguyễn Đức Thành đã cùng các nhân viên đánh hội đồng rồi đưa Minh về chi nhánh tại huyện Sóc Sơn ở xã Tiên Dược.
Băng Nam Long đã họp kỷ luật, yêu cầu Minh xin lỗi từng người. Sau đó, chúng đưa ra một bát cơm và một bát phân yêu cầu Minh chọn 10 lần. Nhóm này đưa ra quy định nếu bò đến bát cơm sẽ bị “dạy dỗ cách làm người”, nếu bò đến bát phân thì phải ăn hết mới được tha. Cả 10 lần, Minh đều bò đến bát cơm nên bị chúng hành hạ bằng cách đá, đạp.
Đến khoảng 4h sáng 10/7, Minh ngất xỉu do bị thương nặng. Nguyễn Đức Thành đã chỉ đạo Ngô Văn Chương (30 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội - Giám đốc chi nhánh Công ty Nam Long tại Thanh Hóa) đưa Minh về chi nhánh Thanh Hoá tại lô số 7, Bà Triệu, phường Đông Thọ để tiếp tục “quản lý, dạy dỗ lại cách làm người”.
Chương nhốt Minh ở tầng 2 của ngôi nhà trên, giao cho 2 nhân viên là Hoàng Tùng (36 tuổi, trú ở xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên) và Nguyễn Thế Vũ (19 tuổi, trú huyện Yên Định, Thanh Hóa) trông coi, giam giữ.
9 ngày sau, Chương thấy sức khỏe của Minh yếu đi nên gọi taxi đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận Minh đã chết lâm sàng. Lập tức, Chương bỏ đi, còn bệnh nhân Minh tử vong sau đó.
Phát hiện băng tín dụng đen lớn nhất nước
Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra phát hiện Công ty Tài chính Nam Long thực chất là băng nhóm tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy công ty này không đăng ký kinh doanh.
Công an Thanh Hóa xác định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen và có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rộng, quan hệ phức tạp, núp bóng doanh nghiệp, có nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi. Sau đó, Công an Thanh Hóa báo cáo Bộ Công an xác lập chuyên án để triệt xóa.
Hanh trinh triet pha bang tin dung den lon nhat nuoc-Hinh-2
 Công an Thanh Hóa họp bàn về chuyên án. Ảnh: Quỳnh An.
Trước tình hình này, Công an Thanh Hóa thành lập 2 tổ công tác đặc biệt. Tổ thứ nhất tập trung điều tra làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, làm nhục người khác.
Tổ công tác này có nhiệm vụ điều tra, dựng lại hiện trường vụ án ở 5 địa điểm từ Hà Nội về TP Thanh Hóa và làm việc với bị hại, người chứng kiến... để đấu tranh, làm rõ vụ án, tính chất, mức độ phạm tội của từng người để xử lý theo quy định.
Tổ công tác thứ 2 tập trung điều tra nhóm hành vi cho vay lãi nặng và trốn thuế, có nhiệm vụ phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và công an các địa phương có nhiệm vụ điều tra, mở rộng vụ án, thu thập chứng cứ, làm rõ nguồn tiền, luân chuyển nguồn tiền cho vay, nơi lưu giữ chứng từ.
Tổ này cũng có nhiệm vụ tìm các bị hại để làm rõ hành vi của từng nghi phạm và điều tra, làm rõ hoạt động đòi nợ, xiết nợ, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.
Đại tá Khương Duy Oanh cho biết ngay sau khi Minh chết, các chi nhánh khác của Công ty Nam Long đã đóng cửa, gỡ biển, thay điện thoại, xóa dấu vết. Do đó, công tác điều tra, thu thập tài liệu gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo đại tá Oanh, việc gặp gỡ, lấy lời khai của các bị hại cũng không ít trở ngại vì họ ở nhiều địa phương khác nhau. Những người đã trả hết nợ thường không muốn liên quan, ngại tố cáo, sợ bị trả thù. "Những người còn vay nợ cũng rất lo sợ bị trả thù, sợ mọi người biết tình trạng nợ nần nên họ thường không cung cấp thông tin", đại tá Oanh kể.
Chính vì vậy, ban chuyên án đã huy động những trinh sát, điều tra viên am hiểu về tài chính, kế toán, công nghệ cao để lần tìm trên hệ thống tài khoản, danh sách khách hàng, số tiền để lần ra bị hại. Từ đó, cảnh sát gặp gỡ, thuyết phục họ cung cấp thông tin, tài liệu, tố giác hành vi phạm tội của các đối tượng.
Khởi tố 9 bị can cầm đầu
Đến nay, Công an Thanh Hóa đã khám xét 16 điểm ở 14 tỉnh, thành phố, thu được một số tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của Công ty Nam Long.
Hanh trinh triet pha bang tin dung den lon nhat nuoc-Hinh-3
 Băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ. Ảnh: Quỳnh An.
Thời điểm bị phát hiện, Nam Long đã lừa hàng trăm khách hàng ký vào những bản hợp đồng vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Thống kê sơ bộ 23/70 tài khoản ngân hàng của tổ chức này cho thấy số tiền giao dịch lên đến hơn 510 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng.
Với hình thức vay trả góp kỳ hạn 41 ngày hoặc 51 ngày, mức lãi suất có thể lên đến từ 172 đến 205% mỗi năm. Trường hợp nạn nhân vay nóng ngắn ngày phải chịu mức "lãi đứng" 15-30%/ngày.
Sau nhiều tháng điều tra, Công an Thanh Hóa đã khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích, Giữ người trái pháp luật, Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khởi tố 9 bị can cầm đầu, trong đó có Nguyễn Đức Thành (Giám đốc công ty Nam Long).
7 bị can đang bị tạm giam 4 tháng, hai trường hợp còn lại là Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi) và Trần Hồng Phong (33 tuổi, cùng trú TP.HCM) đang bị truy nã.
Theo Nguyễn Dương/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)