Hành trình chông gai xử lý 7.000 lít dầu độc ở Hạ Long

Google News

(Kiến Thức) - Để loại trừ chất độc vẫn còn cả một chặng đường dài, bởi các nhà khoa học ở Việt Nam chỉ mới tiến hành kiểm kê lượng PCB hiện có.  

Sự việc 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa PCB, hóa chất cực độc chỉ sau dioxin, đang được lưu giữ tại cảng Cái Lân, cạnh vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cho thấy vấn đề xử lý PCB đang gặp nhiều lúng túng. Điều đáng nói, ngoài lượng dầu chứa PCB đang lưu giữ ở cảng Cái Lân, Việt Nam vẫn còn một lượng PCB không nhỏ đang được lưu giữ ở nhiều nơi khác nhau trong cả nước. 
 
TS Nguyễn Anh Tuấn, Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: "Thế giới đã có công nghệ xử lý PCB, nhưng nước ta hiện chỉ có Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam là được cấp phép xử lý hóa chất độc hại này. Điều đáng nói PCB là hóa chất cực độc, xử lý tốn kém và phức tạp".
Cũng theo TS Tuấn, để loại trừ chất độc vẫn còn cả một chặng đường dài, bởi các nhà khoa họcViệt Nam hiện mới tiến hành kiểm kê lượng PCB có mặt và đang trong quá trình tiếp cận các phương án, công nghệ xử lý thích hợp. Vì thế, việc sử dụng, lưu giữ an toàn PCB cần phải được đặt lên hàng đầu, bởi việc sử dụng, lưu giữ chất độc này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. 
Có thể lấy vụ Yusho ở Nhật Bản năm 1968 là một ví dụ điển hình cho thấy nguy cơ đe dọa môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người của PCB. Vụ việc này đã gây ra ngộ độc hóa chất cho hơn 14.000 người sau khi ăn dầu ăn chiết xuất từ cám do loại dầu này đã bị phơi nhiễm PCB thông qua bộ phận trao đổi nhiệt của dây chuyền sản xuất. 
Trong số nạn nhân của "thảm họa" này có đến 1.853 người bị phơi nhiễm nặng, còn lại là những người mang các chứng bệnh kỳ quái tập thể như chân tay run rẩy, da nổi chàm... Điều này cho thấy, trước mắt hiện nay là phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, lưu giữ PCB. 
Ví dụ, đối với khu vực sử dụng, lưu giữ PCB cần đủ độ cao và dốc để chống ngập lụt; đủ bền để không bị ăn mòn, phản ứng; đủ tấm nâng để không xếp thùng dầu chồng trực tiếp lên nhau; đủ thông thoáng không xảy ra cháy nổ. Còn đối với thiết bị sử dụng, lưu giữ PCB cần đủ kín để tránh bay hơi; đủ bền để tránh ăn mòn, thấm; đủ cứng để tránh hư hỏng, biến dạng, rách vỡ; đủ lớn để tránh chảy tràn; đủ dấu hiệu cảnh báo, nhận biết. 
Theo lộ trình thời hạn cuối cùng để tiêu hủy dầu, chất thải, thiết bị PCB là năm 2028. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài các cơ quan quản lý, cần phải có sự chung tay của các doanh nghiệp. 
Sa Hà

Bình luận(0)