Trong buổi sáng 29-7, hàng trăm người dân sử dụng các phương tiện cá nhân rời TP.HCM để về quê qua các của ngõ phía đông TP đã được lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe.
Khóc xin về vì mẹ đang bệnh
Ghi nhận của PLO tại chốt kiểm soát dịch cầu Vĩnh Bình, (quốc lộ 13, TP Thủ Đức) giáp ranh giữa TP Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, có rất đông phương tiện phải quay đầu vào lại TP.HCM.
|
Người dân tự ý về quê được yêu cầu quay trở lại TP.HCM. Ảnh: TS |
Theo quan sát, lực lượng chức năng gồm CSGT, quân đội, Quản lý thị trường, Y tế… phải làm việc rất cật lực và giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu khi kiểm tra giấy tờ các xe qua lại.
Vào khoảng 10 giờ 30, sau khi yêu cầu hai xe máy phải quay đầu do người dân tự ý về quê ở Gia Lai và Đắk Lắk, lực lượng chức năng đã dừng xe một nam thanh niên tên H.
H. vừa khóc vừa cho biết do mẹ ở quê bệnh nên phải về gấp. Hành trang của H. là một chiếc xe máy tương đối cà tàng, trên yên xe H. cột một túi đụng quần áo đã cũ, một túi võng, phía trước xe H. treo một can xăng, một chai nước suối.
“Em đi nếu có mệt thì em bắt võng gốc cây ngủ thôi, trong túi em cũng còn vài chục ngàn để ăn mì tôm nên không sao hết. Xăng thì có rồi”- H. nói trong nước mắt.
|
H. vừa khóc vừa giải thích với lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Bình. Ảnh: TS |
H. quê ở Gia Lai, do gia đình khó khăn nên tháng 5 vừa qua xuống TP.HCM làm thuê. Công việc của H là thợ làm kính cửa cho một công ty.
H. đã ứng lương công ty trước để thuê nhà trọ, lo ăn mặc. Đến khi TP thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch bệnh, công ty H. cũng tạm ngưng hoạt động.
H. thất nghiệp, công ty cũng không trả thêm tiền lương. Từ đó H. không còn khả năng chi trả tiền sinh hoạt ở TP, gia đình cũng thường xuyên động viên H. về lại quê sinh sống.
Mới đây, vì quá lo lắng cho mình mà mẹ H. đã bị bệnh nhập viện. Hay tin, H. khóc nguyên đêm và quyết định về quê.
|
Hành trang của H. là căn xăng, chai nước suối, võng ngủ và túi quần áo đã cũ. Ảnh: TS |
Sáng 29-7, H. điều khiển xe máy ra quốc lộ 13 để lưu thông theo hướng Bình Dương – Bình Phước – Đắk Lắk – Gia Lai, khi tới chốt kiểm soát dịch cầu Vĩnh Bình thì được lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ dừng xe và yêu cầu quay trở lại.
“Em phải liên hệ ở quê để họ có kế hoạch đưa đón. Tự ý về bằng xe máy là đi qua địa bàn các tỉnh, rồi lỡ lây lan dịch bệnh thì khổ. Cho em qua thì các tỉnh khác không cho em vô, lúc đó em quay lại đây thì không có lý do để TP cho vô thì khổ nữa”- một nhân viên đang làm nhiệm vụ giải thích cho H.
H. vừa khóc vừa liền đáp lại: “Mẹ nằm viện ba cứ hỏi em về chưa, bà ngoại nói mẹ nặng lắm nên em phải về. Các anh cho em đi đi, các chốt kia em xin được mà”.
Trường hợp của H. đã được lực lượng chức năng ghi nhận và hướng dẫn H. đứng lên vỉa hè chờ xin ý kiến. Tuy nhiên, H. lại tiếp tục đi sang các tuyến đường khác để tìm cách rời khỏi TP.
|
Ô tô cá nhân rời Sài Gòn về quê cũng buộc phải quay đầu trở lại. Ảnh: TS |
Nhiều cửa ngõ yêu cầu quay xe
Theo ghi nhận, ngoài các trường hợp xe máy còn có rất nhiều ô tô, shipper, xe tải chở hàng không thiết yếu… cũng bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe.
Theo quan sát, trong một buổi sáng có hơn 100 trường hợp ô tô, xe máy rời sài Gòn để về quê được lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu xe. Trong đó, các trường hợp xe máy thường đi sang các tuyến đường khác để tiếp tục tìm cách về quê.
Anh NĐH cho biết anh và vợ sinh sống và làm việc tại quận 7, những ngày qua thông tin về dịch bệnh đã khiến vợ chồng anh rất bất an. Đến chiều 28-7, anh và vợ quyết định đi xét nghiệm COVID-19 để đi xe máy về Đắk Lắk.
“Tôi đi qua cầu vượt Sóng Thần để về Bình Dương thì bị chốt ở đây kiểm tra nên quay về hướng cầu Vĩnh Bình nhưng cũng không được qua. Giờ vợ chồng phải qua thử cầu Đồng Nai để về Lâm Đồng rồi qua Đắk Lắk chứ ở Sài Gòn cũng thất nghiệp rồi”- anh H. nói thêm.
|
Người đàn ông đi xe máy cá nhân về quê buộc phải quay đầu xe tại chốt cầu Vĩnh Bình. Ảnh: TS |
Giống như anh H., một người đàn ông khác cho biết đã dọn tất cả mọi thứ từ quần áo, tivi… và trả phòng trọ để về quê ở Đắk Lắk. Theo quan sát, người này chở theo phía sau xe máy là tivi, quạt, quần áo, và nhiều thùng chứa vật dụng cá nhân khá cồng kềnh.
“Không được đi về quê tự ý đâu anh ơi, phải có đoàn địa phương dẫn đi” - một nhân viên kiểm soát tại chốt chặn xe người này giải thích. Người này sau đó giải thích một hồi rồi quay xe đi về hướng cầu Đồng Nai.
Theo ghi nhận, có cả trăm xe máy lưu thông qua chốt để về các tỉnh Tây Nguyên đã được lực lượng chức năng giải thích nhẹ nhàng, rõ ràng và yêu cầu quay xe. Các trường hợp này sau đó quay về tập trung tại gầm cầu vượt ngã tư Bình Phước, một số trường hợp người dân khác tiếp tục đi qua cầu vượt Sóng Thần và cầu Đồng Nai để tìm cách đi qua.
Một lãnh đạo Phòng CSGT cho biết trong sáng nay có khá đông người dân tự ý về quê không thông qua chính quyền địa phương. Để phòng chống dịch bệnh lây lan, Phòng CSGT đã yêu các đơn vị kiểm tra giấy tờ và yêu cầu người dân quay trở lại.
“Chúng tôi không phải không cho người dân về mà người dân cần phải liên hệ chính quyền địa phương để tổ chức, hướng dẫn về sao cho an toàn, phòng chống dịch hiệu quả hơn” - lãnh đạo này nói thêm.
|
Làm việc với cơ quan chức năng, hầu hết người dân đều cho biết về quê để tránh dịch ở sài Gòn. Ảnh: TS |
Còn theo một đội trưởng Đội CSGT, để tránh người dân tập trung tại các chốt kiểm soát cửa ngõ, đơn vị đã chủ động tuần tra, nhắc nhở người dân trên các tuyến đường không được tự ý về quê.
Nhiều tỉnh tổ chức đón người dân
Tại Tây Ninh: UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TP.HCM làm đầu mối, phối hợp với tỉnh thông tin rộng rãi kế hoạch đến người dân đang tạm trú tại TP.HCM
|
Rất đông người dân muốn về quê ở các tỉnh Tây Nguyên đều được lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, yêu cầu quay trở lại. Ảnh: TS |
Đối tượng là người dân Tây Ninh hiện đang công tác, học tập, tạm trú tại TP.HCM, có nhà hoặc người thân có hộ khẩu thường trú tại Tây Ninh.
Tại Lâm Đồng: từ 12 giờ hôm nay (29-7), UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, TP tuyệt đối không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác.
|
Rất đông phương tiện di chuyển theo hướng đi ra cầu Vĩnh Bình. Ảnh: TS |
Theo đó, đối với trường hợp có nguyện vọng trở về địa phương phải thuộc nhóm ưu tiên là người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tất cả phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.