Ban Bí thư vừa quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, khai trừ đảng thiếu tướng Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và thiếu tướng Lê Văn Minh, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4. Tướng Minh và tướng Thanh đã bị khởi tố, bắt tạm giam do nhận hối lộ.
Đồng thời, cách hết tất cả chức vụ trong đảng của 7 tướng lĩnh khác gồm: Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển; Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Chính ủy Cảnh sát biển; Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển; Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Thiếu tướng Đào Hồng Nghiệp, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2.
|
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cùng với việc bị kỷ luật Đảng, những cán bộ vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự.
Theo kết luận của Ban Bí thư, đã xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật đảng của nhiều tổ chức, cá nhân trong lực lượng cảnh sát biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, quyền và lễ hợp pháp của tổ chức, cá nhân phải làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của cảnh sát biển và quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, rất nhiều cán bộ lãnh đạo đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí đã có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, về nguyên tắc, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng sẽ bị kỷ luật theo quy định của điều lệ đảng. Nếu đảng viên đồng thời là cán bộ, công chức, cũng sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ công chức, luật viên chức.
Ngoài ra, hành vi vi phạm kỷ luật, đồng thời là vi phạm pháp luật cũng sẽ phải chịu chế tài pháp luật, có thể là chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự. Về nguyên tắc, kỷ luật không thay thế chế tài của pháp luật.
Theo Quy định số 102- QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban chấp hành trung ương quy định về kỷ luật đảng viên, việc kỷ luật đảng viên sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.
“Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên; cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức phải cách chức, không cho thôi giữ chức”, luật sư Cường cho biết.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.
Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng.
Luật sư Cường cho biết, trong vụ việc nêu trên, một số cán bộ, tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật về mặt đảng và về mặt chính quyền. Có những cán bộ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc của Đảng đối với cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật.
Đồng thời, với việc xử lý kỷ luật thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp nhận thông tin, hồ sơ làm rõ hành vi sai phạm. Trường hợp hành vi sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành thủ tục điều tra theo quy định pháp luật.
Có thể nói rằng, cảnh sát biển là một lực lượng đặc biệt, quan trọng trong buổi cảnh chủ quyền biển đảo có những vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp trong giai đoạn hiện nay. Việc đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ đối với biển đảo có vai trò rất quan trọng của lực lượng cảnh sát biển.
Bởi vậy, những vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ lãnh đạo và một số cá nhân thuộc lực lượng này gây lo lắng trong nhân dân, gây mất uy tín của nhân dân đối với lực lượng cảnh sát biển nói riêng và quân đội nhân dân nói chung. Việc thi hành kỉ luật và xem xét trách nhiệm pháp lý là cần thiết để đảm bảo duy trì trật tự kỷ cương, thượng tôn pháp luật và đảm bảo lực lượng bảo vệ vùng biển thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu hi vọng của người dân Việt Nam đối với lực lượng xung kích này.
“Việc xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm pháp lý đối với các cán bộ cao cấp của lực lượng cảnh sát biển cho thấy việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đấu tranh với tội phạm về chức vụ không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đặt nặng lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích quốc gia, dân tộc thì đều bị phát hiện, xử lý nghiêm minh bằng kỷ luật đảng và các chế tài của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố thêm tội danh với ông Nguyễn Đức Chung: