Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam với nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào tối 20/2, nguồn tin của VietNamNet xác nhận, ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng nhận tiền của người khác để chạy án. Số tiền này được xác định lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo nguồn tin, cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang làm rõ vụ "Mua bán trái phép hóa đơn" nhằm mục đích trốn thuế. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện ra việc nhận tiền chạy án, từ đó đã làm việc với ông Đỗ Hữu Ca.
"Trong quá trình làm việc, ông Đỗ Hữu Ca đã khắc phục số tiền nhận chạy án", nguồn tin cho biết.
|
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca (Ảnh: Zing.vn) |
Nói về vụ án nêu trên, luật sư Lê Thu Hằng, Công ty Luật TAT Law firm cho biết: “Với số lượng tiền bị can Đỗ Hữu Ca nhận từ các đối tượng giao tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, đã thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm điểm a khoản 4 của Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Theo đó, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải đối diện với mức hình phạt từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 174 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Các hình phạt bổ sung được Tòa cân nhắc áp dụng cùng hình phạt chính.
Việc áp dụng hình phạt bổ sung còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của người bị tuyên phạm tội. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm làm rõ điều kiện về tài sản của bị can để Tòa án xem xét việc có áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền hay tịch thu tài sản không.
“Nếu trước khi khởi tố vụ án, bị can đã hoàn trả lại cho phía người đưa tiền toàn bộ số tiền đã nhận, đây được xác định là tình tiết khắc phục toàn bộ thiệt hại và không cần yêu cầu người đã đưa tiền giao nộp lại cho cơ quan điều tra nữa.
Trong trường hợp sau khi đã khởi tố vụ án, bị can mới trả lại tiền cho phía người đưa tiền và nộp tại cơ quan điều tra thì số tiền này được coi là vật chứng của vụ án và sẽ bị tạm giữ cho đến khi giải quyết xong vụ án (bản án cuối cùng có hiệu lực pháp luật)", LS. Thu Hằng phân tích.
Cũng theo LS. Thu Hằng, trong bản án sẽ có nội dung tuyên về việc xử lý số tiền này. Nếu được tuyên trả lại thì người bị chiếm đoạt sẽ nhận lại số tiền này qua cơ quan thi hành án.
Tuy nhiên, theo những thông tin ban đầu thì bị can và bên giao tiền thực hiện hoạt động giao nhận tiền để hướng tới việc chạy án, do vậy, nếu thông tin này được cơ quan điều tra kết luận là đúng thì hành vi của bên giao tiền có dấu hiệu của “Tội đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự và được xác định thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Khi đó, số tiền mà đối tượng đã giao cho phía bị can Đỗ Hữu Ca đã thay đổi tính chất, lúc này nó sẽ trở thành công cụ, phương tiện phạm tội trong vụ án đưa hối lộ.
LS. Hằng nhận định, nếu cơ quan điều tra khởi tố vụ án “Đưa hối lộ” thì số tiền hai bên đã giao nhận nhằm mục đích chạy án sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.