Tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá
Chiều 20/6, các đại biểu cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang). |
Cho ý kiến về quy định hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông phải dựa trên nguyên tắc về khả năng bồi hoàn của tự nhiên để phòng chống rủi ro sạt lở lòng bờ, bãi sông và các công trình khác cần được bảo vệ tại điểm c khoản 1 Điều 90, đại biểu Nguyễn Văn Dương (đoàn Tiền Giang) cho rằng, quy định như dự thảo luật thì địa phương không thể cấp phép khai thác được vì không có khả năng đánh giá khả năng bồi hoàn của tự nhiên, do phải đánh giá trên cả lưu vực sông.
Về thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản, khoản 1 Điều 93 quy định: Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản gồm thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và thông tin, dữ liệu trong hoạt động khoáng sản, đại biểu đề nghị bổ sung thêm về “tính năng, ứng dụng, tác động với môi trường của khoáng sản” để tương thích với khoản 22 Điều 3.
Về phân nhóm khoáng sản tại Điều 7, căn cứ công dụng và mục đích quản lý, dự thảo Luật quy định phân chia các loại khoáng sản thành 4 nhóm. Cho ý kiến về nội dung này, có đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc áp dụng các quy định này của dự thảo Luật trong trường hợp mỏ khoáng sản bao gồm nhiều loại khoáng sản thuộc các phân nhóm khác nhau.
Có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản.
Đại biểu đề xuất tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ điều khoản chuyển tiếp (Điều 116) để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, phù hợp nhằm xử lý các trường hợp đang thực hiện theo Luật Khoáng sản năm 2010 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Bổ sung quy định về chế biến cát biển thay thế cát sông
Góp ý vào Dự thảo Luật tại khoản 19, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “chế biến khoáng sản”.
|
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai). |
Lý do là vì, chế biến khoáng sản là công đoạn hoạt động sau khi đã khai thác và được định nghĩa riêng Khoản 20, Điều 3. Trường hợp nếu gộp chung thì sẽ trùng lặp nội dung tại 2 Khoản 19 và 20 của Dự thảo Luật.
Đồng thời, còn mâu thuẫn với điều 4, 5 và 6 quy định thuế tài nguyên xác định trên cơ sở sản lượng tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên của Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, mà sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên là sản lượng và giá của khoáng sản nguyên khai tại mỏ, đã khai thác nhưng chưa qua chế biến.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai.
Vì hiện nay trữ lượng cát sông chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng và đang gây ảnh hưởng môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng do khai thác lạm dụng.
Cùng với đó, quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên địa chất và khoáng sản.
Phát biểu tại phiên họp Tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã làm rõ thêm những ý kiến đã được các đại biểu quốc hội nêu tại phiên họp. Đồng thời, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp mới để bổ sung dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản trong thời gian sớm nhất.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, những ý kiến xây dựng luật của các đại biểu Quốc hội sẽ được cơ quan soạn thảo hoàn thiện để Luật Địa chất và khoáng sản sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành đã được tổng kết, đánh giá; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.