Lùm xùm trong tổ chức hội chợ Làng nghề truyền thống tại Hải Dương
Hội chợ Thương mại Nông nghiệp – Làng nghề truyền thống và Sinh vật cảnh Hải Dương lần thứ 1 đang thu hút sự quan tâm dư luận tỉnh Hải Dương bởi chính những sự việc lùm xùm trong khâu tổ chức hội chợ này.
Mấy ngày nay, tại khu đất đường Tôn Đức Thắng (phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), đơn vị tổ chức hội chợ trên đã tiến hành san gạt, dựng khung rạp, phân các gian ki ốt, sân khấu, cổng chào... Nhiều tiểu thương từ khắp nơi trên cả nước đã chở hàng hóa về tham gia hội chợ. Tuy nhiên, hội chợ trên vẫn chưa được UBND Thành phố Hải Dương đồng ý cho tổ chức nên thường xuyên có lực lượng chức năng tại đây túc trực.
|
Khung dựng cổng hội chợ đã được hoàn thiện. |
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Hội chợ trên do Công ty TNHH MTV Cường Huyền phối hợp với Hiệp hội sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận tổ chức.
Theo các tài liệu văn bản, ngày 3/5/2017, Sở Công thương tỉnh Hải Dương có công văn 558/SCT-QLTM xác nhận đăng ký tổ chức Hội chợ trên. Tiếp đó, ngày 5/7/2017, Sở Công thương tiếp tục ra công văn 947/SCT-QLTM xác nhận đăng ký thay đổi, bổ sung tổ chức hội chợ với thời gian tổ chức từ ngày 16/9 đến 24/9/2017 tại khu đất trống, ngã 3 đường Tôn Đức Thắng (phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Ngày 11/9, đơn vị tổ chức hội chợ mới có công văn xin đăng ký tổ chức hội chợ gửi đến UBND TP Hải Dương. Ngay trong ngày 11/9, UBND TP Hải Dương có báo cáo số 150/BC -UBND do Phó Chủ tịch UBND TP – ông Trương Mạnh Long ký nêu rõ: “UBND TP Hải Dương đề nghị Sở Công Thương cho phép Công ty TNHH MTV Cường Huyền phối hợp với Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức Hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam và sản phẩm truyền thống Hải Dương 2017” trên đường Tôn Đức Thắng, TP Hải Dương từ ngày 27/10 đến 2/11/2017”.
|
Doanh nghiệp buộc phải gửi Đơn lên Thủ tướng Chính phủ. |
Ngày 15/9/2017, Sở Công thương có công văn 1394/SCT-QLTM do Giám đốc Sở – Phạm Thanh Hải ký gửi UBND TP Hải Dương trong đó không đồng tình với đề nghị của UBND TP Hải Dương về việc gộp hai hội chợ làm một để cùng tổ chức.
Cụ thể, công văn 1394/SCT-QLTM nêu rõ: “Sở Công thương xác nhận cho 2 thương nhân tổ chức 2 hội chợ có chủ đề khác nhau, tại 2 thời điểm khác nhau (khai mạc cách nhau 43 ngày) là phù hợp với các quy định của pháp luật. Việc các doanh nghiệp phối hợp hay không phối hợp đề cùng tổ chức 1 hội chợ là quyền chủ động của các đơn vị tổ chức hội chợ. Trong trường hợp Công ty TNHH MTV Cường Huyền và Công ty Cổ phần Hội chợ và Xúc tiến thương mại có sự thống nhất với nhau và có văn bản chính thức đề nghị, Sở Công thương sẽ xem xét”.
“Thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, kiến tạo cho doanh nghiệp hoạt động, Sở Công thương đề nghị UBND TP Hải Dương căn cứ thực trạng công tác quản lý tại địa phương và đề xuất của các thương nhân đã đăng ký tổ chức Hội chợ thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tổ chức hội chợ theo kế hoạch đã đăng ký của từng đơn vị theo quy định của pháp luật”, Sở Công thương nêu rõ trong công văn.
Doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ
Ngày 12/9, tại khu đất trống trên đường Tôn Đức Thắng, đơn vị tổ chức Hội chợ đã tiến hành san gạt nền đất, dựng khung rạp dù chưa được UBND TP Hải Dương có văn bản cho phép. Lý do được đại diện đơn vị này đưa ra: “Để kịp tiến độ triển khai hội chợ, đơn vị đã tiến hành san gạt lô đất trống trên, dựng các gian hàng cho doanh nghiệp từ xa đến để các doanh nghiệp này có chỗ trú mưa nắng. Mặt khác vẫn liên hệ với các phòng chức năng và lãnh đạo UBND Thành phố để xin cấp phép. Tuy nhiên đến nay, UBND TP Hải Dương vẫn chưa có văn bản chính thức về việc cấp phép tổ chức hay không?”.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, ngày 13/9, UBND TP Hải Dương có văn bản 845/UBND-QLĐT về xử lý tình trạng vi phạm trật tự tại khu vực đường Tôn Đức Thắng. Trong đó, UBND TP giao cho UBND phường Hải Tân, Công an TP Hải Dương, đội quy tắc thành phố kiểm tra xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự đô thị tại khu vực đất trống cạnh đường Tôn Đức Thắng. Lý do được đưa ra: “qua kiểm tra thực tế, hiện khu vực khu đất trống đường Tôn Đức Thắng đang xảy ra tình trạng có đơn vị tự ý san gạt, tập kết phương tiện, máy móc vật tư trái phép, chưa có sự cho phép của các đơn vị quản lý”.
|
Các tiểu thương mệt mỏi vì phải sống trong cảnh lo lắng. |
Tuy nhiên đại diện đơn vị tổ chức hội chợ cho biết: “Đơn vị đã có văn bản xin tổ chức hội chợ gửi lên UBND TP. Đến thời điểm, đơn vị tổ chức san gạt, dựng khung bạt, UBND thành phố chưa có văn bản trả lời dứt điểm doanh nghiệp theo quy định của pháp luật mà đã cho lực lượng chức năng đến kiểm tra xử lý thì thật khó hiểu”.
“Các doanh nghiệp có gian hàng tham gia hội chợ đều từ xa đến, họ không có nghỉ ngơi dù trời mưa bão. Nếu không dựng gian hàng thì họ không có nơi ăn nghỉ tránh trú mưa nắng”, đại diện đơn vị tổ chức hội chợ cho biết.
“Nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến đòi công ty phải bồi thường thiệt hại nếu không tổ chức được hội chợ. Cực chẳng đã, doanh nghiệp mới phải làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Hải Dương. Nếu UBND TP Hải Dương không chấp thuận việc Sở Công thương xác nhận tổ chức hội chợ thì cần có văn bản thông báo rõ lý do. Ở đây, đến tận chiều 18/9, chỉ có UBND phường Hải Tân gọi doanh nghiệp lên làm việc thông báo về việc đình chỉ, dừng hội chợ khiến doanh nghiệp rất bức xúc”, đại diện đơn vị tổ chức cho hay.
Những ngày qua, nhiều tiểu thương từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước về tham gia hội chợ trên đã vô cùng bức xúc trước sự việc trên. Mấy ngày nay, họ phải ăn chực nằm chờ trong tình cảnh không điện nước, hàng hóa không có nơi để an toàn.
Tiểu thương Trắng “Sài Gòn” bức xúc: “Tôi từ Sài Gòn ra đây theo lời mời trước hàng tháng của Ban tổ chức hội chợ nhưng khi đến được mấy ngày rồi hàng hóa không bày ra bán được. Trong khi đó để đến được nơi này tôi phải bỏ ra rất nhiều chi phí tiền xe gửi hàng chi phí phát sinh tăng. Đến đây điện không có muốn nghỉ ngơi trong cái thời tiết nóng dưới cái bạt che là không thể, mấy ngày nay phải ngồi ngoài trời đến giờ giật máy phát lên cắm cơm ăn hoặc ăn cơm hộp. Tôi đã đi rất nhiều hội chợ rồi nhưng chưa bao giờ gặp việc như thế này xảy ra”.
Tiểu thương Lại Thị Mận chia sẻ thêm: “Chúng tôi đăng ký theo hội chợ rồi là không bỏ được, vì chi phí của một doanh nghiệp bỏ ra nhiều lắm. Chúng tôi mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như các tiểu thương có chỗ bán hàng, chứ bây giờ đã dựng lên như thế này rồi mà các gian hàng đã kín hết chứ không phải là chưa dựng lên. Còn bây giờ chúng tôi không biết đi đâu về đâu mà phải đợi hết một tuần chứ, ví dụ bây giờ thuê kho để hàng thì cả chợ này thuê làm sao hết được. Thiệt hại là quá lớn kể cả ban tổ chức cũng như các tiểu thương”.
Đại diện đơn vị tổ chức và các doanh nghiệp tham gia gian hàng trong hội chợ mong muốn UBND TP Hải Dương căn cứ theo các quy định của pháp luật, căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, kiến tạo cho doanh nghiệp hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tổ chức hội chợ theo kế hoạch đã đăng ký của từng đơn vị theo quy định của pháp luật.
PV Kiến thức tiếp tục thông tin vụ việc trên...