Thời gian qua, tại khu vực cảng Cống Câu (phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) mọc lên nhà hàng du thuyền hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trong phạm vi cảng, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa.
|
Nhà hàng du thuyền trong khu vực cảng Cống Câu. |
Neo đậu, kinh doanh nhà hàng trái quy định trong cảng Cống Câu
Theo ghi nhận của PV Tri thức và Cuộc sống, trong cảng Cống Câu hiện chia làm 2 khu vực. Một khu vực là cảng dành cho việc bốc xếp hàng hóa, khu còn lại đang neo đậu Nhà hàng du thuyền Thế giới thủy hải sản rộng hàng trăm m2 có sức chứa lên đến 250 người được sử dụng cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, có một số tàu chở khách cũng tập trung tại khu vực này. Thời gian qua, nhà hàng nổi này đã được đưa vào hoạt động phục vụ thực khách.
Theo tìm hiểu, Cảng thủy nội địa Cống Câu nằm ở vị trí từ Km65+109 đến Km65+500 bờ phải sông Thái Bình, thuộc địa phận phường Hải Tân, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chủ cảng là Công ty Cổ phần công trình giao thông Hải Dương, theo quy định cơ quan quản lý nhà nước tại cảng là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực II thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Cụ thể, theo Quyết định số 263/QĐ-CĐTNĐ ngày 14/4/2021 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc công bố lại hoạt động Cảng thủy nội địa Cống Câu cho thấy, đây là cảng hàng hóa thông thường, với cấp kỹ thuật cảng cấp III.
|
Khu vực cảng Cổng Câu cũng là nơi tập trung một số tàu chở khách về neo đậu tại đây. |
Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL569276 do UBND tỉnh Hải Dương cấp ngày 16/10/2009, cảng có diện tích đất 28.396 m2. Ngoài ra còn 15.721 m2 đất thuộc hành lang đê, 8.486 m2 đất thuộc hành lang sông tạm giao cho Công ty Cổ phần công trình giao thông Hải Dương quản lý, sử dụng theo quy định. Vùng nước của cảng: Cảng có chiều dài 390.8m dọc theo bờ sông, chiều rộng 50m tính từ mép ngoài cầu cảng trở ra sông. Kết cấu công trình, cảng có 4 cầu cảng kích thước từ (4.5 x 8)m đến (16.5 x 25)m, được phép tiếp nhận phương tiện thủy lớn nhất có mớn nước đầy tải tối đa đến 3.2m.
Trước tình trạng có nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa như trên, Sở GTVT Hải Dương đã mời đại diện các cơ quan đơn vị liên quan gồm: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (không tham dự), Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực II, UBND thành phố Hải Dương, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh và các phòng nghiệp vụ của Sở họp về nội dung trên.
Theo các cơ quan chức năng, việc nhà hàng du thuyền hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trong phạm vi cảng có dấu hiệu vi phạm.
Cụ thể, theo Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Cống Câu được quy hoạch là cảng tổng hợp, tức là cảng vừa xếp dỡ hàng hóa, vừa đón trả hành khách.
Ngày 31/12/2021, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Văn bản số 3116/CĐTNĐ-PCTTr thống nhất chấp thuận bổ sung 1 cầu cảng đón trả khách và nhà chờ phía thượng lưu. Tuy nhiên, đến nay Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vẫn chưa có Quyết định công bố cảng hành khách (Cảng vẫn là cảng hàng hóa) nhưng Cảng Cống Câu đã đón khách là trái quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa: “Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu phải được cơ quan có thẩm quyền công bố hoạt động theo quy định trước khi đưa vào khai thác, sử dụng”.
Theo quy định điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Giao thông đường thủy nội địa: “Vùng nước cảng được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu hạ tải, khu tránh bão”. Tuy nhiên, Chủ cảng cho neo đậu Nhà hàng du thuyền - Thế giới thủy hải sản và kinh doanh ăn uống là trái quy định và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chìm đắm.
Cần kiên quyết xử lý vi phạm
Được biết, trước những vi phạm trên, Cảng vụ Khu vực II đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hải Dương với tổng số tiền 69 triệu đồng.
Theo đại diện Sở GTVT Hải Dương, do Sở không có thẩm quyền xử lý trong khu vực cảng, mới đây, Sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hải Dương giao UBND thành phố Hải Dương kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến kinh doanh dịch vụ ăn uống, quản lý sử dụng đất, phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực II kiểm tra, xử lý đối với những vi phạm liên quan đến hoạt động cảng thủy nội địa.
|
Nhà hàng nổi này đã được đưa vào hoạt động phục vụ thực khách. |
|
Chủ cảng cho neo đậu Nhà hàng du thuyền - Thế giới thủy hải sản và kinh doanh ăn uống là trái quy định và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chìm đắm. |
UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản 118 do Phó Chủ tịch UBND Hải Dương Lưu Văn Bản ký truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh này. Trong đó, giao UBND TP Hải Dương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra xử lý các vi phạm (nếu có) theo đề nghị của Sở GTVT Hải Dương.
Đồng thời, đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực II chỉ đạo, hướng dẫn chủ cảng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật khi hoạt động trong phạm vi vùng nước của cảng thủy nội địa Cống Câu.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Phạm Văn Mai - Chủ tịch UBND phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết, UBND TP Hải Dương đã ra quyết định thành lập đoàn liên ngành của thành phố, phối hợp với UBND phường Hải Tân, xuống lập biên bản và yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng nổi.
“Cảng vụ Khu vực II cũng đã ra quyết định xử phạt. Bên nhà hàng xuất trình một số giấy tờ liên quan của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) hiện có công văn đề nghị chấp thuận cho mở cầu cảng để đón trả khách, tuy nhiên, chưa có Quyết định công bố cảng hành khách. Do đó, các cơ quan chức năng thống nhất yêu cầu dừng hoạt động. Hiện nhà nổi và các tàu khách chưa di chuyển khỏi khu vực này”, ông Phạm Văn Mai thông tin.
PV Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin về vụ việc trên...
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm