Hai cựu cán bộ Công an cùng cựu thượng tọa nhận bao tiền để chạy án?

Google News

6 bị can lợi dụng vị trí công tác thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Minh Quân, GĐ BV Thủ Đức với số tiền đặc biệt lớn.

Nhận số tiền đặc biệt lớn để… “chạy án”
Mới đây, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam Lê Thanh An (SN 1976) và Bùi Trung Kiên (SN 1980), đều là nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cùng tội danh trên 4 bị can khác bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Bùi Thị Hồng Giang (SN 1975, luật sư, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Bùi Gia và cộng sự), Trần Văn Long (SN 1976, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt); Hà Duy Tuấn (SN 1985, trú tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), Nguyễn Ngọc Triệu (SN 1973, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang, pháp danh Thích Đồng Huệ, nguyên ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã hoàn tục và thôi các chức vụ tôn giáo từ ngày 8/11/2021).
Hai cuu can bo Cong an cung cuu thuong toa nhan bao tien de chay an?
Hai bị can Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi. 
Điều tra ban đầu cho thấy, các bị can nêu trên đã có hành vi đã lợi dụng vị trí công tác để thực hiện hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức với số tiền đặc biệt lớn. Các bị can đã nhận tiền của Nguyễn Minh Quân với mục đích “lo lót” cho Nguyễn Minh Quân không bị xử lý hình sự.
Trước đó, ngày 6/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với Nguyễn Minh Quân (SN 1973), Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm.
Kết quả điều tra vụ án xác định, ông Nguyễn Minh Quân (SN 1973), Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.
Đối mặt khung hình phạt tới tù 20 năm hoặc tù chung thân
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ông rất bất ngờ khi nhận thông tin trên bởi vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện Thủ Đức vừa mới xảy ra, đang trong giai đoạn điều tra.
Dẫn điều Điều 355, Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, luật sư Cường cho biết, đây là tội danh thuộc nhóm tội phạm về chức vụ, chủ thể của tội này phải là người có chức vụ quyền hạn, đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn là thực hiện các công việc vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép liên quan đến chức vụ, quyền hạn.
Nếu hành vi là nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ, còn hành vi nhận tiền, chiếm đoạt số tiền đó do hành vi lạm quyền thì mới bị xử lý về tội danh này.
“Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ và chứng minh bằng các chứng cứ, làm cơ sở để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Trong đó, động cơ mục đích của việc đưa tiền và nhận tiền là vấn đề quan trọng quyết định đến việc xác định tội danh và mức hình phạt. Ngoài ra số tiền mà các bị can đã nhận là bao nhiêu tiền là yếu tố quyết định đến việc áp dụng khung khoản hình phạt. Đây mới chỉ là giai đoạn đầu của quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ sự việc để chứng minh tội phạm”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì các bị can bị khởi tố theo khoản 4, điều 355 bộ luật hình sự năm 2015 lên hình phạt mà các bị can phải đối mặt sẽ ở khung hình phạt là phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là mức hình phạt rất nghiêm khắc đối với hành vi phạm tội của người có chức vụ quyền hạn đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, việc các bị can bị khởi tố theo khoản 4, điều 355 cho thấy, số tiền mà các bị can bị tình nghi chiếm đoạt có trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên...
“Đây là một vụ án rất đáng buồn bởi các bị can trong vụ án này lại là người đang thi hành công vụ trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thủ Đức. Người bị khởi tố, bị bắt trong vụ án này là những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ để làm sáng tỏ các tình tiết trong vụ án, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Chỉ sau hoàn tục 2 ngày, cựu Thượng tọa Thích Đồng Huệ bị bắt
Sáng 11/11, trao đổi với báo chí, Đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Ngọc Triệu (SN 1973) vừa bị khởi tố trước đó có pháp danh là Thích Đồng Huệ. Ngày 8/11, cựu Thượng tọa Thích Đồng Huệ đã có đơn xin hoàn tục vì lý do sức khỏe. Trong đơn, ông viện dẫn đang bị bệnh hiểm nghèo, xin Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hoàn tục để đi chữa bệnh.
Cùng ngày, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đã ký ban hành quyết định “cho hoàn tục và cho thôi tất cả chức vụ trong GHPGVN” đối với tu sĩ Thích Đồng Huệ, thế danh Nguyễn Ngọc Triệu. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký 8/11/2021.
Tu sĩ Thích Đồng Huệ, giáo phẩm Thượng tọa, là Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Giang, Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Mozambique, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Angola, trụ trì chùa Nôm (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và chùa Quan Âm (TP.Hà Giang, tỉnh Hà Giang).
Đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: Sau khi hoàn tục, thôi các chức vụ theo quyết định có hiệu lực từ ngày 8/11, ông Triệu đã trở thành công dân bình thường, không còn là tu sĩ Phật giáo.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:

Nguồn: PLO

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)