Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ngoài Hà Nội và TPHCM ra, các tỉnh, thành khác phải 5 năm, 10 năm nữa cũng chưa đến mức phải thu phí xe ô tô vào nội đô.
5 đến 10 năm nữa các tỉnh, thành khác cũng chưa đến mức thu phí ô tô
“Thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành khác chưa đến mức lưu thông đông người như TPHCM và Hà Nội nên khó có thể ùn tắc giao thông như hai thành phố lớn này. Dân số các tỉnh thành khác hiện không nhiều, không đông đến mức phải hạn chế phương tiện lưu thông vào nội đô”, đại biểu Hòa nêu ý kiến.
|
Hà Nội dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. |
Đại biểu Hòa dẫn chứng, Hà Nội có đến 7, 8 triệu dân, cơ học nữa phải 9 triệu dân trong khi đó các cơ quan trung ương, Bộ, ban, ngành tập trung ở đây. TPHCM cũng vậy, vừa dân số tự nhiên, vừa dân số cơ học cũng đến 11, 12 triệu người.
“Do hai thành phố này có dân số đông như vậy nên mới ùn tắc giao thông, mới phải hạn chế xe cá nhân còn các tỉnh, thành khác sẽ không có như vậy. Hạn chế xe cá nhân sẽ ảnh hưởng nhiều thứ, bất tiện cho người dân, ảnh hưởng đến chuyện đầu tư… Cho nên các tỉnh, thành khác cũng rất đắn đo cân nhắc” - ông Hòa cho hay.
Giảm ùn tắc giao thông… không chỉ hạn chế xe cá nhân
Việc Hà Nội và TPHCM có đề án thu phí ô tô vào nội đô, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, về lâu dài, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải trong nội đô thì cũng cần tính đến các phương án hạn chế xe cá nhân.
“Chúng ta đang chủ trương, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là vận động người dân sử dụng xe công cộng để hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe ô tô và xe máy. Nếu trở lại trạng thái bình thường mà không có các biện pháp phù hợp thì tình trạng ùn tắc giao thông sẽ tiếp tục xảy ra tại nội đô Hà Nội, TPHCM, ảnh hưởng đến giao thông rất lớn. Ví như các trường hợp khẩn cấp như tai nạn giao thông xảy ra, cứu chữa người bệnh, cứu hỏa mà gặp cảnh ùn tắc sẽ không thể lưu thông”- ông Hòa nói.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đề án thu phí xe ô tô vào nội đô của Hà Nội và TPHCM về lâu dài để hạn chế xe cá nhân, bản thân ông đồng tình, ủng hộ. Có thể thời điểm hiện nay chưa phù hợp khi tình trạng dịch COVID-19, xe cộ lưu thông không có nhiều. Nhưng những năm sau khi trở lại trạng thái bình thường, cũng phải có phương án như vậy để hạn chế đến mức thấp nhất xe ô tô vào nội thành.
“Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn thu từ phí này cho mục đích gì cũng phải đề cập rõ ràng trong đề án. Theo đề án của Hà Nội và TPHCM, số tiền chi ra cho các đề án không phải là nhỏ, không chừng dẫn đến tình trạng cục bộ, rồi chi phí. Thu ngân sách không bao nhiêu nhưng lại mất nhiều chi phí khác như nhân sự, hoạt động sẽ không mang lại hiệu quả, còn gây phản cảm. Thu phí này phải phục vụ đường sá, cho nhu cầu sinh hoạt, đời sống người dân thì sẽ hợp lý hơn”- ông Hòa nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô cũng chỉ là một trong số những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông.
“Giải pháp căn cơ, cốt lõi nhất đó việc khuyến khích người dân sử dụng xe công cộng. Việc mở rộng đường bây giờ là rất khó nếu không muốn nói là không thể. Chỉ có thể làm đường trên cao như các quốc gia trên thế giới nhưng chi phí rất lớn, Việt Nam chưa đủ khả năng để xây dựng đường trên không. Nhưng về lâu dài cũng phải tính đến các phương án này để làm sao hạn chế thấp nhất ùn tắc. Một vấn đề khác cần thực hiện đó là việc giãn dân nội đô. Hà Nội và TPHCM là hai thành phố đông dân tốp đầu thế giới nhưng hạ tầng giao thông của chúng ta lại thấp kém so với thế giới. Đó là một hệ quả bất hợp lý dẫn đến tình trạng ùn tắc”- đại biểu Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng, việc giãn dân nội thành là quan trọng nhưng để làm sao cuộc sống sinh hoạt ngoại thành cũng phải giống như nội thành.
“Muốn vậy phải rời các cơ quan trung ương, các bệnh viện, trường học, cơ sở y tế ra ngoại thành. Người dân sẽ đến đó và sẽ hạn chế nhu cầu đi lại trong nội thành”- ông Hòa cho biết.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thủ đô là cần thiết trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng.
Ông Liên cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ô tô cá nhân. Khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.
Báo cáo kết quả thực hiện xây dựng đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội trình Sở GTVT Hà Nội cho thấy, dự kiến từ năm 2025 sẽ thu phí ô tô đi từ khu vực vành đai 3 vào trung tâm Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Khung giờ thu phí từ 5h đến 21h hàng ngày, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm để hạn chế các chuyến đi không cần thiết. Ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ không thu phí. Mức phí đề xuất với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (đối tượng chính của thu phí) từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt. Mức phí với ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt.
Để thu phí sẽ bố trí 68 vị trí với 87 trạm thu phí tự động không dừng đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí, xe quá cảnh trên vành đai 3 không phải trả phí. Tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí hơn 2.646 tỷ đồng. Đề án tạm thời xác định nếu thu 50.000 đồng/lượt đối với xe dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đối với xe từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2.1 đạt khoảng 1.175 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2.2 đạt khoảng 1.326 tỷ đồng/năm.
Nguồn phí thu được sử dụng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì hệ thống thu phí, sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thu phí xe ô tô vào nội đô: Hà Nội lập phương án đặt 87 trạm thu phí: