Hà Nội thí điểm song bằng có dấu hiệu lách luật theo chỉ đạo của ông Chung?

Google News

Có thể thấy Hà Nội triển khai mô hình "song bằng" có dấu hiệu lách luật bằng 2 từ "thí điểm", có vai trò không nhỏ của ông Nguyễn Đức Chung.

Ngày 11/8/2016, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự và chỉ đạo hội nghị, theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam [1].
Phát biểu tại hội nghị này, ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ, trong thời kỳ hội nhập, giáo dục cũng như các ngành khác của Thủ đô phải đặt ra tầm cao mới, để bạn bè quốc tế biết đến giáo dục Việt Nam, giáo dục Thủ đô một cách trực tiếp chứ không phải chỉ thông qua vài khuôn mặt đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
Sắp tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Trường Đại học Cambridge đầu tư vào trường Trung học phổ thông Chu Văn An và Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam để áp dụng chương trình chuẩn của họ song song với chương trình trong nước giúp học sinh Thủ đô ra trường là có thể hoà nhập với thế giới. [2]
Ha Noi thi diem song bang co dau hieu lach luat theo chi dao cua ong Chung?
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, ảnh: Tạp chí Giáo dục Thủ đô. 
Ngày 22/3/2017 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra thông báo số 201/TB-UBND kết luận của tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố về những nội dung đã thống nhất tại cuộc họp triển khai, thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại trường trung học phổ thông Chu Văn An.
Sau khi nghe Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội báo cáo kết quả triển khai, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về thí điểm đào tạo song bằng tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, ông Nguyễn Đức Chung biểu dương Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ủng hộ và chuẩn bị nội dung chương trình thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An [3].
Trong các bài viết trước, chúng tôi đã phân tích cơ sở pháp lý của chương trình thí điểm đào tạo "song bằng" trong các trường trung học phổ thông công lập Hà Nội có dấu hiệu lách luật, trái với các chủ trương, nghị quyết của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.
Với các thông tin trên, dường như chương trình song bằng có dấu hiệu lách luật bằng 2 chữ "thí điểm" là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung đánh giá thế nào về tiêu chuẩn tú tài Việt Nam?
Theo Báo Giáo dục và Thời đại, ngày 18/2/2017 trao đổi với các văn nghệ sĩ thủ đô về định hướng đầu tư cho giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là "chất lượng cao" của Hà Nội [4].
Tác giả Quang Anh của Báo điện tử Zing.vn thời điểm đó dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung nhận định: 
“Tiêu chuẩn tú tài ở Việt Nam chẳng đạt tiêu chuẩn tú tài gì, nên các cháu sang nước ngoài phải học thêm 2 năm nữa, chi phí khoảng 240 triệu đồng.”
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ông mong muốn thời gian tới ngành giáo dục thủ đô kết nối các giáo trình nước ngoài, ví dụ như Cambridge (Anh), dạy song song chương trình này từ lớp 10 [5].
Mục tiêu tổng quát đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng chỉ ra rằng, cần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.
Phần nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW đã chỉ rõ, cần "đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề";
"Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là về chương trình, nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo của nước ngoài tại Việt Nam."
Đặc biệt, Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ rõ: "Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo."
Tuy nhiên, nếu đúng là ông Nguyễn Đức Chung nhận xét "tiêu chuẩn tú tài ở Việt Nam chẳng đạt tiêu chuẩn tú tài gì" như tường thuật trên Zing.vn, thì việc làm thế nào để nâng cao chất lượng tấm bằng tú tài (trung học phổ thông) của Việt Nam mới là cái cần bàn, cần làm.
Đằng này, ông Chung lấy đó làm cớ nhập khẩu chương trình nước ngoài đưa vào trường phổ thông công lập của Hà Nội, vô hình trung đã đi ngược tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết 29-NQ/TW chỉ ra, liệu có giữ được "định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc"?.
Tư duy và cách làm như vậy không những không giúp gì cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mà ngược lại nó có thể cổ súy và hình thành chính sách giáo dục vọng ngoại, đánh mất bản sắc dân tộc ngay trong môi trường giáo dục phổ thông công lập.
Chỉ đạo nay thế này, mai thế khác
Phát biểu trước các văn nghệ sĩ thủ đô ngày 18/2/2017, ông Nguyễn Đức Chung được Zing.vn dẫn lời, cho biết đánh giá của mình về các trường chất lượng cao:
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, người đứng đầu chính quyền thủ đô thông tin và cho rằng một trường chất lượng phải thể hiện qua việc đào tạo được nhiều người giỏi. 
Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, ông Nguyễn Đức Chung lại có những đánh giá và chỉ đạo hoàn toàn ngược lại về "trường chất lượng cao". Báo Hà Nội Mới ngày 7/3/2018 đưa tin, ông Nguyễn Đức Chung đã tới làm việc, kiểm tra tình hình dạy-học tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An [6].
Ngày 28/3/2018 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành thông báo số 299/TB-UBND truyền đạt kết luận của ông Nguyễn Đức Chung tại buổi làm việc với Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, theo đó:
Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan lập đoàn khảo sát, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường;
Hướng dẫn Trường Trung học phổ thông Chu Văn An chủ trì xây dựng đề án tổng thể phát triển, đầu tư nhà trường để ngôi trường đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và trình Ủy ban nhân dân thành phố trước 30/4/2018.
...Với việc mở rộng đối tượng đào tạo song bằng, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp ủy ban nhân dân các quận, huyện tham gia thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại các cơ sở giáo dục trực thuộc, vừa tiến hành hoàn thiện hồ sơ đề án thí điểm, vừa nghiên cứu, theo dõi, chỉ đạo Trường Trung học phổ thông Chu Văn An kịp thời tổng kết kết quả một năm thực hiện thí điểm, thống nhất đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố trình Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương mở rộng thí điểm đào tạo song bằng trên địa bàn thành thố, trình Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất thông qua tại kỳ họp tháng 7/2018 [7].
Có thể thấy Hà Nội triển khai mô hình "song bằng" có dấu hiệu lách luật bằng 2 từ "thí điểm", có vai trò không nhỏ của ông Nguyễn Đức Chung, đánh giá của ông Nguyễn Đức Chung về mô hình trường công lập chất lượng cao cũng mâu thuẫn, nếu không muốn nói câu sau ngược lại câu trước.
Quan điểm của người đứng đầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về chính sách phát triển trường chất lượng cao cũng có nhiều điều trái ngược.
Ngày 9/4/2018, ông Nguyễn Đức Chung ký quyết định số 1715/QĐ-UBND về việc ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2018, ông Chung chỉ đạo:
Sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo. Đầu tư ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi. Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học [8].
Quan điểm này được chính ông Nguyễn Đức Chung nhắc lại trong quyết định số 1350/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 về việc ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố Hà Nội năm 2019.
Nhưng chỉ 4 ngày sau đó, ngày 27/3/2019 cũng chính ông Nguyễn Đức Chung ký ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND, giao Sở Giáo dục và Đào tạo:
"Tập trung đầu tư xây dựng và phát triển một số trường chất lượng cao ngang tầm với khu vực và thế giới nhằm đáp ứng tốt hơn chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Thành phố và nhu cầu xã hội, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế của giáo dục Thủ đô."
Với những chỉ đạo như trên của ông Nguyễn Đức Chung, thiết nghĩ đã đến lúc Hà Nội cần đánh giá nghiêm túc chủ trương thí điểm "song bằng" cũng như mô hình trường phổ thông công lập chất lượng cao đang trái các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, quy định của Nhà nước như thế nào, hiệu quả thực sự ra sao để có những điều chỉnh phù hợp, không để trường công lập biến tướng thành trường tư mang lại lợi ích cho một nhóm người.
Trong các bài viết trước, chúng tôi đã phân tích các quy định của pháp luật về việc liên kết với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, việc triển khai mô hình "song bằng" của Hà Nội bằng từ "thí điểm" đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Nghị định 86/2018/NĐ-CP (và trước đó là Nghị định 73/2012/NĐ-CP).
Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ phân tích việc triển khai thí điểm "song bằng" cũng như nhân rộng mô hình trường công lập "chất lượng cao" của Hà Nội đang trái các quy định nào của Nhà nước về sử dụng cơ sở vật chất, thương hiệu, đội ngũ - tài sản của Nhà nước, phải chăng nhằm vào mục đích kinh doanh thu lợi cho một nhóm người.
Theo Hồng Thủy/GDVN

>> xem thêm

Bình luận(0)