Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng vừa ký ban hành Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và nhiều vấn đề liên quan.
Tại buổi làm việc này, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm kiến nghị thành phố trao đổi với Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (Tổng Công ty HUD - chủ đầu tư) bàn giao lại 7 ô đất bị bỏ hoang để đầu tư trường học công lập. Quận cũng đề nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng trường trên diện tích này.
|
Hà Nội sẽ thu hồi 7 ô đất bị HUD bỏ hoang để xây dựng trường công lập (Ảnh: Internet). |
Trước kiến nghị của chính quyền quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương làm việc với Tổng Công ty HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm các ô đất xây trường về quận quản lý, đầu tư trong năm 2022; báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét, chỉ đạo trước ngày 15/10.
Cụ thể, 7 ô đất quy hoạch trường học nhưng chưa được đầu tư gồm: C1/TH1 trường tiểu học, diện tích 1,3 ha; C1/TH2 trường trung học cơ sở, diện tích 2,4 ha; C1/NT3 trường mầm non, diện tích 0,6 ha; C1/TH3 trường trung học phổ thông, diện tích 1,3 ha; F5/TH3 trường trung học cơ sở, diện tích 0,73 ha; F5/NT5, trường mầm non, diện tích 0,49 ha và F4/TH2 trường tiểu học, diện tích 1,1 ha.
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tiếp tục có kiến nghị liên quan đến những ô đất hạ tầng tại quận Hoàng Mai đang được Tổng Đầu tư và phát triển nhà (HUD) quản lý.
Đoàn cử tri cho biết chưa đồng tình với văn bản số 1309/BXD-QLDN ngày 18/4/2022 của Bộ Xây dựng về việc trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội và tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo, yêu cầu Tổng Đầu tư và phát triển nhà (HUD) khẩn trương bàn giao cho quận Hoàng Mai những ô đất xây dựng trường học, công cộng ở Khu đô thị Linh Đàm vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch để Quận đưa vào đầu tư, quản lý phục vụ Nhân dân trên địa bàn, tránh bỏ không gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và phát sinh các vi phạm về lấn chiếm đất đai.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết Bộ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã có ý kiến trả lời cử tri Thành phố Hà Nội gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường thứ Nhất, Quốc hội khoá XV về các nội dung liên quan đến các dự án do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư trên địa bàn quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội tại văn bản số 1309/BXD-QLDN ngày 18/4/2022, trong đó đã làm rõ các nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm triển khai các dự án này.
Việc bàn giao cho quận Hoàng Mai các ô đất công cộng, trường học như kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của người dân và nhà đầu tư, do đó, cần thời gian nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty HUD, tập trung, nghiêm túc, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư đã được cử tri phản ánh. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội để sớm hoàn thành quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư tại các lô đất thuộc các dự án của Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư tại quận Hoàng Mai.
Lo ngại trước bối cảnh thiếu trường học trầm trọng nhưng đất xây trường lại bỏ hoang, UBND quận Hoàng Mai kiến nghị xin được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của quận đối với 7 ô đất trường học do Tổng công ty quản lý, còn 5 ô đất trường học thứ phát đề nghị TP chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai nếu không sẽ kiên quyết thu hồi.
Trước đó, hàng trăm phụ huynh ở Hoàng Mai phải tham gia bốc thăm để giành suất cho con vào trường mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022-2023. Điều đáng nói, dù phải tổ chức bốc thăm cho trẻ 3-4 tuổi đi học mầm non nhưng nhiều ô đất được quy hoạch xây trường mầm non ở phường Hoàng Liệt lại bị bỏ hoang 20 năm, không được đầu tư.
Theo cán bộ UBND phường Hoàng Liệt, trong số 12 ô đất quy hoạch trường học trên địa bàn đang bị bỏ hoang thì có 6/7 ô (C1/TH1; C1/TH2; C1/NT3; C1/TH3; F5/TH3; F5/NT5) do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư, đã quây tôn khoảng 20 năm, để cỏ dại mọc hoặc chỉ tận dụng làm bãi trông xe.