Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, qua rà soát bước đầu, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội xác định có khoảng 50.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Riêng nhóm lao động tự do là đối tượng khó thực hiện rà soát nhất và cần sớm có thông tư hướng dẫn.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Đối tượng người có công, bảo trợ xã hội do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội kê khai, chi trả; đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do sẽ do UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm kê khai và chi trả; đối tượng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) do cơ quan BHXH đảm nhận…
|
Thành phố Hà Nội chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. |
Do các nhóm đối tượng người có công, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và lao động có hợp đồng có danh sách cụ thể, nên sẽ chi trả sớm. Theo đó, dự kiến đối tượng thụ hưởng từ chính sách BHXH sẽ nhận hỗ trợ trong tháng 4; người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo sẽ nhận hỗ trợ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020.
Riêng nhóm lao động tự do - là nhóm đối tượng khó xác định nhất nên có thể sẽ nhận được sự trợ giúp muộn hơn. Hiện, nhóm đối tượng này đang phải đợi hướng dẫn từ Trung ương. Việc khoanh vùng đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể sẽ được tiến hành thông qua sự phối hợp liên ngành, liên địa phương để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo.
“Trong Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu là các địa phương sẽ xem xét cụ thể các đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động ở điều kiện thực tế, có những quyết định bổ sung những đối tượng đấy vào những đối tượng được hỗ trợ. Cái này chúng tôi cũng thiết kế những biểu mẫu và đưa ra những tiêu chí, điều kiện theo tiêu chí, điều kiện mà dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các quận huyện rà soát đảm bảo theo đúng các đối tượng thì đưa vào đối tượng lao động tự do được hỗ trợ”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.
Theo nhận định của các địa phương, việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do hay còn gọi là lao động di cư sẽ khó khăn nhất. Vì đây là nhóm đối tượng không có quan hệ lao động và khó xác định được công việc của họ. Việc rà soát phụ thuộc vào các tổ dân phố, thôn, xóm thuộc các xã, phường, thị trấn.
Qua thực tế bước đầu triển khai rà soát nhóm đối tượng lao động tự do tại các tổ dân phố, bà Nguyễn Thị Định, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 38, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Rất khó để xác định đối tượng nào sẽ được nhận gói hỗ trợ bởi số người lao động tự do đang thuê trọ trên địa bàn tổ dân phố 38 rất đông. Do đó, bà Định cho rằng cần sớm có Thông tư hướng dẫn cụ thể để xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ.
“Cán bộ địa bàn mà ngại, quy định hướng dẫn không rõ ràng thì chúng tôi thống kê tất. Chẳng hạn cửa hàng sửa xe máy đóng cửa, gia đình có con tàn tật, gia đình bán chè chủ yếu trông vào hàng quán…Có gia đình khó khăn về vấn đề này, có gia đình khó khăn về vấn đề khác nên phải cho hướng dẫn khó khăn mức độ nào thì chúng tôi còn dễ nhận biết. Bây giờ đi vào các khu trọ, nhận biết cũng không rõ, có người cần 10 điều kiện nhưng được 7-8 điều kiện thì cũng cho vào danh sách hưởng. Hoặc cũng có khi chúng tôi để sót người cần được hỗ trợ nên chúng tôi cũng rất lo lắng”, bà Nguyễn Thị Định nói.
Nhóm lao động tự do được hỗ trợ từ Gói an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ gồm: Người bán hàng rong; Lao động thu gom rác; Người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô; Người bán lẻ vé số lưu động; Người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe./.