Hà Nội không cần cách ly tập trung F1, trừ ai thiếu điều kiện ở nhà

Google News

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay Hà Nội nên thực hiện cách ly F1 tại nhà, chỉ những ai không đủ điều kiện cách ly như phòng ốc, cơ sở vật chất không đảm bảo

Phân tích về ưu điểm của việc cách ly tập trung và cách ly tại nhà với F1, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, nếu thực hiện nghiêm và đúng quy định, thì cách ly tập trung quản lý được người nhiễm bệnh, tách được người nhiễm ra khỏi cộng đồng, không lây ra cộng đồng.
Ha Noi khong can cach ly tap trung F1, tru ai thieu dieu kien o nha
Một cuộc bàn giao công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại Hà Nội. Ảnh: Trần Thường 
Bên cạnh đó, vấn đề khử khuẩn, việc quản lý chất thải tốt và dễ hơn, cán bộ cơ sở y tế không phải tham gia nhiều mà có các lực lượng khác như quân đội, theo dõi diễn biến được người F1 liên tục ở khu cách ly tập trung, có camera để theo dõi…
Với cách ly tại nhà, ưu điểm là người nhà không phải đến cơ sở cách ly, người dân được ở nhà thì tâm lý có thể thoải mái hơn, kinh phí nhà nước đỡ hơn khi F1 ăn uống ở nhà. Nếu cách ly tại nhà nghiêm chỉnh thì ít ảnh hưởng lây nhiễm chéo hơn.
Ngoài những ưu điểm trên thì PGS. TS Trần Đắc Phu cũng nêu những nhược điểm của 2 hình thức cách ly này.
Cụ thể, cách ly tập trung nếu thực hiện không tốt, không nghiêm, không đủ cơ sở vật chất, nằm nhiều người 1 phòng, chung phòng vệ sinh thì khả năng lây nhiễm chéo cao, F1 đến đây cũng không thoải mái, nhà nước phải bỏ kinh phí sẽ tốn kém.
Còn cách ly tại nhà thì không tách ra khỏi cộng đồng được, khó theo dõi hơn, nếu F1 không trách nhiệm thì có thể lây ra cho gia đình, cho cộng đồng; Vấn đề khử khuẩn, xử lý rác thải khó hơn, người theo dõi y tế cơ sở không theo dõi được thường xuyên trong ngày, gây quá tải cho y tế cơ sở…
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến, Hà Nội bây giờ không cần cách ly tập trung nữa. Ông giải thích, xét về tổng thể toàn diện thuận lợi giữa cách ly tập trung và cách ly tại nhà thì hiện nay, với chiến lược của Việt Nam là không thể zero F0, chấp nhận có ca mắc cộng đồng, nhiều F0 thì nhiều F1, nếu cách ly tập trung sẽ dẫn đến quá tải, cơ sở vật chất không đủ thì lây chéo…
Theo ông, vẫn nên tồn tại 2 hình thức cách ly, song nên thực hiện cách ly tại nhà, chỉ những ai không đủ điều kiện cách ly về phòng ốc, cơ sở vật chất thì mới đi cách ly tập trung. Cả cơ quan chức năng và người dân cần có trách nhiệm đối với thực hiện cách ly nghiêm chỉnh theo quy định của Bộ Y tế để dịch không lây lan cho gia đình, cộng đồng và có kiểm tra giám sát, xử phạt nghiêm minh.
Mới đây, CDC Hà Nội khẳng định thành phố vẫn đảm đương được việc cách ly tập trung 60.000- 70.000 trường hợp F1, theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay xu thế người dân vẫn muốn được cách ly tại nhà nhiều hơn, giảm gánh nặng cho nhà nước.
“Thời kỳ đầu cách ly tập trung rất giá trị vì khi đó chúng ta thực hiện chiến lược zero Covid-19, cách ly chủ yếu cho người nhập cảnh do quân đội quản lý, ít bệnh nhân nên cách ly tập trung có tác dụng và ý nghĩa quan trọng. Sau thời gian dài chúng ta đạt các thành tựu trong chống dịch, đến nay giai đoạn mới chủng vi rút Delta lây lan nhanh, chấp nhận không zero Covid thì nó khác”, ông Phu nói.
Nguy cơ lây nhiễm chéo
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc đưa người đi cách ly tập trung nên dựa trên sự tình nguyện.
"Ví dụ họ không đủ điều kiện cách ly tại nhà như không có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, gia đình có người chưa tiêm vắc xin, người có bệnh nền…
Ví dụ bạn tôi ở một mình trong 1 căn biệt thự vẫn phải lên khu cách ly ở chung 5,6 người/phòng. Điều này rất bất cập vì ngoài nguy cơ lây nhiễm chéo, người dân còn có nhiều nguy cơ khác. Như người già, người có bệnh nền (tim mạch, ung thư…) khi ở nhà uống thuốc thường xuyên, không gian yên tĩnh, thoải mái, có người chăm sóc, sức khỏe họ sẽ ổn định. Còn ở khu cách ly tập trung, do tâm lý cô đơn, xa lạ, sinh hoạt thay đổi, bệnh sẽ dễ nặng hơn”, ông Nga phân tích.
Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, bài học tại TP.HCM, Bình Dương vẫn còn hiệu hữu. Các tỉnh này bùng dịch, lây lan nhiều là do cách ly tập trung. Tại Hà Nội cũng vậy, có trường hợp F1 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 30/9 được chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 20/10, có kết quả mắc Covid-19 do là lây tại khu cách ly tập trung. Không chỉ chung phòng, việc đi cùng xe, di chuyển cùng thời gian khi đưa người đi cách ly… cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Theo Hương Quỳnh/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)