Ngày 25/10, Sở GTVT TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án liên quan đến về phân vùng hạn chế xe máy và thu phí phương tiện vào nội đô.
Các ý kiến tại hội thảo đã làm rõ một số nội dung liên quan đến khu vực thu phí, đối tượng thu phí, biện pháp thu phí, các điều kiện cần thiết để thực hiện thuy phí, các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi cho nhân dân khi thu phí; lộ trình thực hiện thu phí đề án cấm xe máy và thu phí ô tô vào nội đô.
Lấy ý kiến về phạm vi phân vùng hạn chế hoạt động xe máy; điều kiện cần thiết để dừng hoạt động của xe máy; lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy cho đến năm 2030.
Cấm xe máy khi vận tải công cộng đáp ứng tối thiểu nhu cầu
Tại hội thảo, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có 6,6 triệu phương tiện giao thông trong đó có 5,9 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, phương tiện trong giai đoạn 2011 - 2018 tăng trung bình 11% năm, trong đó xe máy là 6,75%/năm, ô tô là 11,5%/năm.
|
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, chỉ thu phí ô tô, cấm xe máy khi đảm bảo các điều kiện cần thiết.
|
“Tốc độ tăng trưởng của đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện dẫn đến quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc ngày càng diễn ra phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên”, ông Viện cho biết.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết thêm, chỉ đề xuất, xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, Hà Nội hiện có 12 quận, huyện. Đến năm 2030, khi đề án được thực hiện, Hà Nội sẽ có 17 quận. Do vậy, phạm vi địa giới hành chính thực hiện đề án sẽ rộng hơn. Trong đó, 5 quận mới chuyển từ các huyện ngoại thành: Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng.
"Từ thực tế này, việc xây dựng Đề án dừng hoạt động xe máy vào nội đô cũng phải tính cả địa giới hành chính 5 huyện hiện nay", ông Tuấn nói.
Còn Phó Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT Lê Đỗ Mười cho biết, việc lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy sẽ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy phù hợp.
Việc dừng hoạt động xe máy theo lộ trình chỉ được thực hiện khi năng lực vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 60,5 – 64,8% và đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông.
“Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ lựa chọn các tuyến phố và các khu vực có thể thực hiện việc dừng hoạt động xe máy khi đảm bảo các điều kiện đặt ra. Việc cấm hoạt động xe máy chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện hạ tầng và có phương tiện vận tải công cộng thay thế, chứ chưa thể cấm ngay trong nay mai.”, ông Lê Đỗ Mười cho biết.
Thu phí tự động phải không gây ùn ứ, như “vặt lông mà vịt không kêu”
Tại Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào", phạm vi thu phí được xác định theo đường vành đai khép kín trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Phạm Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho rằng, cần xác định ranh giới để thu phí ô tô vào nội đô: “Chúng ta phải tính toán để xác định mốc phạm vi từ các đường vành đai trở vào. Trong đó, với hạ tầng và mặt cắt đường đủ rộng, các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, và Vành đai 3 đều được tính đến”.
Liên quan đến đề án này, ông Vũ Văn Viện cho biết, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mức thu phí chung được tính toán dựa trên việc đáp ứng tổ chức quản lý hoạt động thu phí. Mức thu cụ thể được tính toán phân bố theo hướng tăng dần đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện cá nhân và các loại phương tiện có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao.
"Chúng tôi sẽ thu phí tự động khi kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo các điều kiện, mức thu phí sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai", ông Viện khẳng định.
Việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án; đối tượng thu phí là ô tô đi vào khu vực thu phí (trừ các loại xe được miễn theo quy định); nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm đối với người dân có ô tô trong kh vực thu phí.
Bên cạnh đó, mức thu phí được tính toán dựa trên đáp ứng việc tổ chức quản lý hoạt động thu phí (hoạt động phi lợi nhuận).
Mức thu cụ thể được tính toán phân bổ theo hướng tăng dần đối với các loại ô tô có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện giao thông cá nhân và các loại phương tiện giao thông có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao…
Đại diện Vụ Môi trường - Bộ GTVT cho rằng, đề án cần nghiên cứu đưa ra mức phí theo nguyên tắc nộp phí công bằng, phương tiện nào xả nhiều khí thải khi tham gia giao thông, tiêu thụ nguyên liệu nhiều hơn thì đối tượng đó sẽ phải nộp phí cao hơn.
Phạm vi thu phí cũng cần được nghiên cứu kỹ, muốn đưa ra được phạm vi thu phí cần chỉ rõ khu vực hay phạm vi thường xuyên bị "ùn tắc" kèm theo số liệu về ô nhiễm môi trường khu vực đô thị thì mới thuyết phục, không thể khoanh vùng khu vực thu phí không không có số liệu cơ sở.