UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND (ngày 8/7/2022) về cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nêu rõ mục đích: Tiếp tục duy trì các chỉ số, chỉ số thành phần đạt kết quả cao; cải thiện, nâng cao các chỉ số, chỉ số thành phần bị trừ điểm hoặc đạt điểm thấp; phấn đấu năm 2022 Chỉ số PAR INDEX của thành phố tăng tối thiểu 1-2 bậc, Chỉ số SIPAS năm 2022 tiếp tục có sự cải thiện cả về tỷ lệ hài lòng chung và thứ bậc so với năm 2021.
|
Không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc tại bộ phận Một cửa, UBND phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ảnh: TCNN |
Thành phố đặt chỉ tiêu cụ thể năm 2022: Chỉ số PAR INDEX đạt 92,55 điểm; Chỉ số SIPAS đạt trên 88%; đồng thời, phân công rõ công việc thực hiện đối với từng nội dung cụ thể.
Theo đó, đối với những tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, Sở Nội vụ phân tích và xây dựng kế hoạch khắc phục, cải thiện nâng cao chỉ số (hoàn thành trong tháng 7/2022); tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao 3 chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI tới lãnh đạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức theo lĩnh vực (hoàn thành trong tháng 8/2022).
Văn phòng UBND thành phố hoàn thiện mô hình “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp của thành phố Hà Nội” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06 (hoàn thành trong quý III-2022).
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các nhiệm vụ để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phục vụ công việc, xây dựng kinh tế số, hạ tầng số, thành phố thông minh phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp…
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tần suất kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý ngay các trường hợp vi phạm về thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy, giờ giấc làm việc.
Trước đó, ngày 10/6, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác Cải cách hành chính thành phố chủ trì phiên họp của Tổ công tác nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Theo báo cáo của Tổ công tác, năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 bùng phát… Nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Chỉ số PAR Index của thành phố đạt 88,54 điểm, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, thứ tự Chỉ số PAR Index của thành phố bị giảm 2 bậc (từ xếp thứ 8 xuống xếp thứ 10), trong đó có 3 nội dung bị giảm. Vẫn còn một số nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa có sự cải thiện hoặc có cải thiện nhưng chưa đạt kết quả cao…
Đối với Chỉ số SIPAS, năm 2021, thành phố Hà Nội đạt 87,11%, tăng 1,96% so với năm 2020, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 3 bậc so với năm 2020. Năm 2021 là năm đạt kết quả Chỉ số SIPAS cao nhất trong 4 năm mà Bộ Nội vụ đánh giá và là năm thứ 4 liên tiếp, Chỉ số SIPAS của thành phố Hà Nội đạt trên 80%, xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có Chỉ số SIPAS bền vững (đạt trên 85%).
Báo cáo của Tổ công tác cũng chỉ rõ, tiêu chí về thủ tục hành chính và tiêu chí tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị bị giảm điểm so với năm 2020. Khoảng cách giữa Chỉ số SIPAS của thành phố với tỉnh có Chỉ số SIPAS cao nhất còn cao (chênh 6,96%).
Phân tích nguyên nhân giảm điểm của một số chỉ số thành phần, Tổ công tác thẳng thắn nêu rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan, thống nhất các giải pháp khắc phục, cải thiện từng tiêu chí.
Để khắc phục những tồn tại, Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, Hà Nội sẽ rà soát lại điểm, các chỉ tiêu dự kiến phấn đấu đạt được trong năm 2022, rà soát những nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 cần phải hoàn thành. Tập trung đánh giá những nhiệm vụ có khả năng không hoàn thành, ảnh hưởng đến kết quả Chỉ số PAR index, Chỉ số SIPAS năm 2022 của thành phố.
Đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong đánh giá điều tra xã hội học chưa đạt điểm tối đa, bị giảm điểm so với năm 2020 thuộc các sở, ngành chủ trì tham mưu, UBND thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị phân tích, xây dựng kế hoạch khắc phục, cải thiện nâng cao. Hà Nội cũng dự kiến tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao 3 chỉ số PAR index, SIPAS, PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) đến các đối tượng lãnh đạo quản lý…
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị Văn phòng UBND thành phố và các sở liên quan tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân được giao nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ triển khai các phần việc, đề án đáp ứng yêu cầu cải thiện nâng cao Chỉ số PAR Index và Chỉ số SIPAS.
Trong đó, sớm triển khai mô hình “một cửa” hiện đại các cấp của thành phố, đa dạng kênh thông tin tiếp nhận xử lý, giải quyết và phản hồi kết quả đối với các phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính; sớm hoàn thiện đưa vào vận hành hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thành phố; Đề án thực hiện ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai.