|
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên. (Ảnh:TA) |
Theo đó, học sinh lớp 1 đăng ký tuyển sinh từ ngày 1/7 đến 3/7; mầm mon 5 tuổi đăng ký từ ngày 4/7 đến 6/7; lớp 6 từ ngày 7/7 đến 9/7.
Việc tuyển sinh trực tiếp sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 18/7; sau ngày 18/7, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo phòng giáo dục – đào tạo. Đối với trường ngoài công lập, từ ngày 26/5 đến 12/7 phải cập nhật danh sách học sinh trúng tuyển vào phần mềm sổ điểm điện tử chậm nhất vào ngày 23/7/2018.
Đối với các trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo Đề án “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội” tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực vào ngày 20/6, thực hiện tuyển sinh từ ngày 28 đến 30/6.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên diễn ra vào ngày 7/6 (thời gian nộp hồ sơ nhập học từ ngày 1 đến 3/7, tuyển bổ sung từ ngày 5 và 6/7).
Việc tuyển sinh vào lớp 10 chuyên đối với những trường như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây thời gian thi từ ngày 7 đến 9/6. Cụ thể, ngày 7/6, học sinh thi môn Ngữ văn, Toán; ngày 8/6 thi môn Ngoại ngữ và các môn chuyên; ngày 9/6, thi các môn chuyên còn lại. Ở đối tượng này, thời gian nộp hồ sơ nhập học từ ngày 29/6 đến 1/7, tuyển bổ sung từ ngày 3 và 4/7.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 học chương trình song bằng tú tài sẽ thực hiện 3 vòng thi. Vòng 1 diễn ra vào ngày 7/6; vòng 2 (thi tuyển theo chương trình tú tài Anh quốc) vào ngày 10/6; vòng 3 – phỏng vấn vào ngày 18/6.
Đối với tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập, học sinh nộp đơn đăng ký dự tuyển tại trường từ ngày 1/6 đến ngày 25/6. Học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT từ ngày 1 đến 15/7.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học – cao đẳng 2018, Sở Giáo dục – Đào tạo cũng cho biết, đã tổ chức hội nghị triển khai công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho các trường THPT. Các trường cũng tiến hành rà soát chuẩn bị hồ sơ, cơ sở vật chất của kỳ thi; tổ chức cho học sinh học tập quy chế thi nhất là các điểm mới của kỳ thi, quy định các điểm tiếp nhận hồ sơ; thành lập tổ trực hướng dẫn thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; tổ chức khảo sát cho học sinh lớp 12 các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Bài thi khoa học tự nhiên, Bài thi khoa học xã hội với mức độ đề khảo sát như đề thi THPT…
Giảm 10.000 học sinh thi vào lớp 10 so với thống kê trước đó
Tại buổi giao ban, nhiều vấn đề liên quan đến việc tăng học phí, tình trạng quá tải trường học, căng thẳng tuyển sinh đầu cấp… đã được đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội trả lời các phóng viên.
Cụ thể, về vấn đề tăng học phí trong năm học mới 2018-2019, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giaó dục – Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đã có tờ trình thành phố phương án tăng học phí dựa trên các nguyên tắc: phù hợp đời sống người dân trên địa bàn, theo đúng lộ trình được HĐND Thành phố đề ra và đảm bảo đầu tư tốt hơn cho giáo dục. Theo đó, mức học phí mới năm nay dự kiến với khối các trường nội thành là 155.000 đồng/học sinh/tháng, 75.000 đồng/học sinh/tháng với học sinh nông thôn, học sinh miền núi thu ở mức 19.000 đồng/học sinh/tháng. Với số tiền này, các trường không được giữ lại toàn bộ học phí thu được mà phải nộp về thành phố 60% để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.
Về tuyển sinh đầu cấp vào lớp 6, lớp 10, ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cho biết, học sinh lớp 10 Hà Nội năm nay tăng 22.000 học sinh. Tuy nhiên, thống kê mới cho thấy, chỉ có 94.499 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10, giảm 10.000 học sinh so với thống kê trước đó (sau khi cho phép các trường ngoài công lập và công lập tự chủ tuyển sinh từ học bạ THCS nên nhiều học sinh không đăng ký dự thi vẫn có chỗ học).
Thông tin về công tác chuẩn bị năm học mới 2018 -2019 đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội cho biết, trong năm 2018, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học (trong đó, mầm non 38 trường, tiểu học 17 trường, THCS 15 trường) với kinh phí khoảng 3.276 triệu đồng. Đối với khối trực thuộc đã thành lập mới 7 trường THPT (2 trường công lập 1 công lập tự chủ, 4 trường tự thục). Cũng trong năm 2018, toàn thành phố cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học được xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa với kinh phí khoảng 1.846.008 triệu đồng. Khối trực thuộc năm 2018 xây dựng chống xuống cấp đầu tư 92.000 triệu đồng kinh phí chống xuống cấp cho 40 trường, đảm bảo điều kiện năm học mới./.