Ngày 29/10, Cơ quan CSĐT Công An TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Mười (tên thường gọi Mười Thu, đại ca giang hồ khét tiếng ở vùng giáp ranh Dĩ An, Thủ Đức với nhiều tiền án, và vừa ra tù hồi tháng 9, 42 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Chiều 8/10, Mười Thu lái xe ô tô 7 chỗ tông 2 xe máy chạy cùng chiều làm 2 người chết tại chỗ.
Sau tai nạn, Mười Thu nhanh chóng rời khỏi hiện trường, rồi gọi điện thoại cho đàn em là Đặng Quang Anh (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) đứng ra trình diện và nhận tội thay. Tuy nhiên sau khi lấy lời khai và trích xuất camera nhà dân gần hiện trường, công an phát hiện người lái xe là Mười Thu.
|
Hiện trường vụ tai nạn. |
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi gây tai nạn chết người nhưng lại gọi đàn em nhận tội thay, liệu Mười Thu có bị tăng nặng án phạt?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc chối tội là tâm lý chung của người phạm tội. Cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Pháp luật không bắt buộc người phạm tội phải nhận tội, tuy nhiên với hành vi và nhận thức trên, Mười Thu sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có thể phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Việc Mười Thu gây tai nạn khiến 2 người tử vong, nhưng lại không có trách nhiệm đối với hậu quả do mình gây ra mà lại nhanh chóng rời khỏi hiện trường và nhờ người khác nhận tội thay để chối tội. Đây là hành vi rất đáng lên án và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, hành vi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ gây tai nạn giao thông làm chết 2 người là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Bởi vậy, việc Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 2601 Bộ luật hình sự năm 2015 là có căn cứ.
Theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông đường bộ phải chú ý quan sát và phải làm chủ tốc độ. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến đâm xe vào các phương tiện giao thông phía trước dẫn đến hậu quả chết người thì đây là hành vi có lỗi và gây hậu quả nghiêm trọng hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định trên, với hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm và gây hậu quả làm chết 2 người chết, đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù theo quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.
Đạo đức truyền thống của người Việt Nam là giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Nếu thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó thiệt mạng thì hành vi không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Tình huống người không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đối mặt với hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, mức cao nhất của tội danh này có thể tới 7 năm tù theo Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, khi thấy người khác đang trong cơn hoạn nạn, có thể nguy hiểm đến tính mạng, việc cứu giúp người khác không những là đạo đức xã hội mà còn là vấn đề trách nhiệm pháp lý, nếu người nào không cứu giúp dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì có thể phải chịu chế tài của pháp luật.
Đặc biệt là với người trực tiếp gây ra vụ tai nạn đó là nghĩa vụ bắt buộc. Bởi vậy, Bộ luật hình sự mới quy định trong trường hợp người gây tai nạn giao thông có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng mà cố tình trốn tránh, không cứu giúp người bị nạn thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và người vi phạm trong trường hợp này có thể phải đối mặt với 10 năm tù.
Trong vụ án này, đối tượng Mười Thu có hai hành vi vi phạm để định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với khung 3-10 năm tù là không cứu giúp người bị hại và làm chết hai người.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, thái độ không thành khẩn ăn năn, không cứu giúp nạn nhân lại còn dùng thủ đoạn gian dối để nhờ người khác nhận tội thay cho mình thì đối tượng này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Với nhân thân xấu, nhiều tiền án, tiền sự, nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy, có thể đối tượng này sẽ phải chịu mức cao của khung hình phạt và có thể cao nhất lên đến 10 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ đối tượng này có sử dụng rượu bia, chất kích thích dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát khi thực hiện hành vi phạm tội hay không.
Trong trường hợp có sử dụng rượu bia, chất kích thích dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát hành vi gây tai nạn giao thông thì đây cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết này sẽ khiến mức hình phạt có thể áp dụng với đối tượng này càng nghiêm khắc hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Toàn cảnh vụ tai nạn giao thông làm 4 toa tàu hoả bị lật ở Diễn Châu