“Làm thế nào cải thiện chất lượng và an toàn người bệnh?”

Google News

(Kiến Thức) - Câu hỏi nhức nhối “Làm thế nào cải thiện chất lượng và an toàn người bệnh" để người dân ngày càng tin tưởng vào nền y tế đã được các chuyên gia trả lời xác đáng. 

Làm thế nào nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tai biến y khoa; làm thế nào để người dân tin tưởng phó thác mạng sống của họ ở các bệnh viện, cơ sở y tế; và đặc biệt làm thế nào quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện; tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện như thế nào?... 
Tất cả các vấn đề đó sẽ được giải đáp chi tiết trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Làm thế nào cải thiện chất lượng và an toàn người bệnh?” với các khách mời:
- Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế
- PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Việt Đức.
Ngay lúc này, quý độc giả có thể gửi câu hỏi giao lưu về địa chỉ email: tkts@kienthuc.net.vn, hoặc đường dây nóng 0965237756.
Từ trái qua phải: MC Quỳnh Tiên; Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa; Phó TBT báo Kiến Thức Nguyễn Thị Mai Hương; PGS.TS Nguyễn Đức Chính và Phó Tổng Thư ký tòa soạn Thái Linh.
 
CHI TIẾT NỘI DUNG GIAO LƯU "LÀM THẾ NÀO NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN NGƯỜI BỆNH":
Độc giả Thu Huyền (thuhuyen_bc51@yahoo.com): Xin Cục phó đánh giá sơ bộ kết quả an toàn người bệnh tại các bệnh viện đến thời điểm hiện nay?  
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Mặc dù trong thời gian vừa qua có một số sự cố y khoa nghiêm trọng xảy ra như 8 người tử vong liên quan đến chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 4 trẻ sơ sinh tử vong trong cùng một ngày tại Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh, nhưng chúng tôi thấy các cơ sở khám, chữa bệnh đã và đang dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo đảm an toàn người bệnh.
Nhiều bệnh viện đã áp dụng các sáng kiến bảo đảm an toàn người bệnh như: áp dụng bảng kiểm an toàn phẫu thuật, sử dụng vòng đeo tay giúp nhận biết chính xác người bệnh, áp dụng và triển khai 5S trong bệnh viện, chiến dịch rửa tay phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo sự cố y khoa trong bệnh viện nhằm phát hiện các lỗi hệ thống và đưa ra các giải pháp can thiệp giảm thiểu sự cố, áp dụng các biện pháp an toàn sử dụng thuốc, thiết bị y tế, truyền máu, tiêm an toàn v.v… Vấn đề an toàn người bệnh và nhân viên y tế đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay.
 Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa (bên phải).
Độc giả Hồ Nhụy (hoynhuy93@gmail.com): Thưa Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa như sau: Cải tiến chất lượng dịch vụ y tế và bảo đảm an toàn cho người bệnh là vấn đề cốt lõi của công tác khám, chữa bệnh. Trong đó, lãnh đạo bệnh viện có vai trò như thế nào trong việc triển khai các quy định liên quan cũng như giải quyết các sự cố?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Xin cảm ơn độc giả đã đưa ra câu hỏi. Tôi xin trả lời như sau: Vai trò của lãnh đạo bệnh viện, nhất là người đứng đầu rất quan trọng trong cải tiến chất lượng và bảo đảm an toàn người bệnh. Đây là một yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thành công trong việc cải tiến chất lượng và bảo đảm an toàn người bệnh.
Lãnh đạo bệnh viện phải là người chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình cải tiến chất lượng, tạo dựng văn hóa chất lượng và an toàn trong bệnh viện, là người chủ của động và ra quyết định trong việc đầu tư nguồn lực, nhất là nhân lực và tài chính, cũng như phải thể hiện được sự cam kết của mình trong cải tiến chất lượng và bảo đảm an toàn người bệnh.
Có như vậy, bệnh viện mới thiết lập được hệ thống chất lượng, từng bước xây dựng được văn hóa chất lượng và an toàn người bệnh, bố trí được nhân lực chuyên trách, huy động được sự tham gia của mọi người và liên tục cải tiến.
Trong giải quyết sự cố y khoa, giám đốc hay người đứng đầu phải chủ động đứng ra giải quyết, là người chịu trách nhiệm cao nhất để xử lý sự cố.
 Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa trả lời câu hỏi độc giả.
Độc giả Hoàng Thị Loan (Phú Thọ): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, hầu hết bệnh nhân hiện nay đi khám đều được bác sĩ khám rất nhanh, sau đó kê một loạt các xét nghiệm, máu, chụp x-quang, siêu âm… sau khi có kết quả là lấy đơn thuốc, việc tư vấn, giải thích bệnh cho bệnh nhân rất ít và hạn chế, theo ông làm thế nào khắc phục tình trạng này?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Thực tế tình trạng này xảy ra khá lâu ở Việt Nam. Hiện chúng tôi đang đặt ra mục tiêu trong 2 tiếng có thể hoàn thiện quá trình khám, tuy nhiên trên thực tế có nhiều trường hợp bệnh cần phải có thời gian chuẩn đoán chính xác nên có thểkéo dài thời gian hơn.
Bộ y tế cũng phát động chương trình đổi mới phong cách khám chữa bệnh trong đó đó có rút ngắn thời gian.
Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông để người bệnh đi theo đúng tuyến và có sự tư vấn đầy đủ từ bác sĩ tuyến dưới.
Có thể thực hiện tư vấn qua mạng sau khi khám chữa bệnh tại bệnh viện.Khi đó bác sĩ có nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.
Ngoài ra cần phải tổ chức khám chữa bệnh cho hợp lý cho từng chuyên khoa theo lịch để giảm bớt người bệnh quá tải không theo chương trình.
Độc giả Hoàng Thanh An (thanhanh@gmail.com): Thưa Phó cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa, các hành vi như kê đơn nhiều thuốc, y lệnh không rõ ràng, quá nhiều y lệnh…; cùng với các vấn đề như cấp cứu với tốc độ cao, quá tải bệnh nhân, môi trường nhiễm khuẩn, người bệnh không giao tiếp được, đồng nghiệp kiệm lời… cũng là các nguy cơ dẫn đến mất an toàn người bệnh. Thế nhưng, đây là thực trạng xảy ra nhiều năm nay, có biện pháp nào có thể chấm dứt sớm tình trạng này không, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Các hành vi kê đơn nhiều thuốc, quá nhiều y lệnh là thường gặp ở một số đơn vị chăm sóc và điều trị bệnh nhân và đây cũng là đặc thù của nghề y.
Một số thầy thuốc có chữ viết xấu, khó đọc cũng dễ gây hiểu nhầm và người bệnh dùng nhầm thuốc. Nhiều trường hợp người bệnh trong tình trạng bệnh nặng, nhiều bệnh phối hợp với nhau, những trường hợp nằm trong phạm vi an toàn rất hẹp, rất dễ xảy ra tai biến. Trong khi đó cấp cứu đòi hỏi sự can thiệp nhanh của thầy thuốc mà sự can thiệp này mang tính chất quyết định đến tính mạng người bệnh nên đôi khi có thể chưa chuẩn xác.
Một số đối tượng người bệnh không giao tiếp hoặc khả năng giao tiếp rất hạn chế cũng gây khó khăn cho người thầy thuốc, ví dụ: người bệnh hôn mê, trẻ nhỏ, người cao tuổi, một số đối tượng cần chăm sóc đặc biệt… Đây là vấn đề chung của ngành y trên thế giới chứ không riêng của quốc gia nào. Việc đòi hỏi giải quyết triệt để tình trạng này thì chưa có quốc gia nào dám nghĩ đến. Tuy vậy, những nỗ lực để giảm thiểu sự cố y khoa đang là mối quan tâm của y tế thế giới. Hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới đều tổ chức các cuộc họp cấp cao để thảo luận và đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Trong đó lãnh đạo Bộ Y tế cũng tham gia rất nhiều cuộc họp để tìm các giải pháp khắc phục tình hình này.
Độc giả Lê Thy Anh (thyanh_1995@gmail.com): Một điều dễ nhận thấy trong năm vừa qua đó là nhiều người làm công tác an ninh tại bệnh viện như bảo vệ dễ gây xô xát, làm mất an ninh bệnh viện, gây mất an toàn cho người bệnh. Bằng chứng là đã có khá nhiều vụ xô xát giữa bảo vệ bệnh viện với người nhà bệnh nhân gây xôn xao dư luận. Theo ông, trách nhiệm của các bệnh viện đối với vấn đề này là gì? Lãnh đạo bệnh viện phải làm gì để nâng cao chất lượng an ninh bệnh viện?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Trong vấn đề về an toàn bệnh viện thì bao gồm cả an toàn môi trường làm việc và an toàn cho người bệnh khi điều trị tại bệnh viện. Hiện nay thuật ngữ safe Hospital khá được phổ biến trên thế giới khi triển khai bệnh viện an toàn và được công nhận. Ở đây bao gồm cả vấn đề an ninh tốt.
Một môi trường an toàn nếu có đội ngũ an ninh là những người trực tiếp bảo vệ bệnh viện cần phải có trách nhiệm, đạo đức, mẫn cán với công việc. Điển hình như trường hợp xảy ra tại bệnh viện Nhi trong thời gian gần đây khi bảo vệ ngăn cản xe cấp cứu vào cứu người bệnh gây hình ảnh rất phản cảm đã bị xã hội lên án. Chúng tôi muốn những người an ninh giúp chúng tôi tạo nên môi trường rất an toàn và yên tĩnh cho bệnh nhân và cả chúng tôi.
PGS.TS Nguyễn Đức Chính – Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Việt Đức. 
Để cải thiện vấn đề này, chúng tôi nghĩ cần phải :
- Đưa ra cơ chế tuyển chọn đội ngũ an ninh và bố trí phù hợp.
- Bản thân bệnh viện chúng tôi nằm chính giữa thủ đô, khá phức tạp về an ninh nên chúng tôi đã kết hợp với công an khu vực làm công tác bảo vệ. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung vào khu vực phòng khám vì đây là điểm nóng. Nhất là thời gian từ tối đến đêm, những khu vực nóng như phòng khám, thường xảy ra những vụ việc như vậy. Do đó cần sắp xếp, bố trí lực lượng phù hợp.
Tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhân, người nhà gây hấn với đội ngũ y tế. Đội ngũ an ninh cần được tập huấn, giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm để phát hiện hoặc xử lý các tình huống khẩn cấp hoặc ngăn chặn hành vi gây rối.
Bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền đối với tất cả người dân khi đi khám bệnh cần tuân thủ nội quy của bệnh viện để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các bác sĩ.
Độc giả Nguyễn Ngọc Bình (nguyennbinh@gmail.com): Các bệnh viện hiện nay vẫn còn quá nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc toàn diện. Ví như dịch vụ thuê người bên ngoài không có chuyên môn vào chăm bệnh nhân là hiện tượng rất phổ biến hoặc đưa người nhà không có chuyên môn chăm sóc bệnh nhân dễ gây tai biến và nhiễm khuẩn. Giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Vấn đề chăm sóc toàn diện hiện nay vẫn đang là một hạn chế của các bệnh viện. Vì thiếu nhân lực, một số người bệnh và gia đình phải thuê thêm lực lượng người chăm sóc ngoài bệnh viện hay việc chăm sóc trông chờ chính vào người nhà người bệnh. Để giải quyết vấn đề này không hề đơn giản và cần có những chính sách vĩ mô.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát hiện và chỉ ra hướng giải quyết vấn đề. Đó là phải bổ sung nhân lực chăm sóc đáp ứng yêu cầu chăm sóc người bệnh toàn diện, giá dịch vụ phải được tính đúng, thu đủ có tính đến chi phí đủ cho tuyển dụng nhân lực đáp ứng chăm sóc toàn diện người bệnh. Cơ cấu chi phí cho nhân lực hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu này.
Đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng và cần thay đổi để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Độc giả Nguyễn Thu Vân (nguyenvan1995@gmail.com): Người bệnh được thụ hưởng dịch vụ an toàn, hiệu quả khi đến các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là quan hệ bình đẳng, thế nhưng hầu hết bệnh nhân khi đến bệnh viện đều mang tâm lý phải nhờ cậy bác sĩ vì thế phần đông chỉ dám nghe chứ không dám phản bác lại cái sai, cái không đúng. Làm thế nào để khắc phục vấn đề này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Việc này liên quan đến 2 vấn đề: Một là văn hóa, hai là pháp luật. Có hai nghề được xã hội tôn trọng là thầy giáo và thầy thuốc. Khi mà tôn trọng thì không có sự ban ơn nghĩa là hàm ơn của người bệnh.
Thứ hai là vấn đề liên quan đến pháp luật khi người bệnh không tuân thủ theo thì sẽ gây ra hiện tượng không dám phản bác lại cái sai, cái đúng. Thực tế, là chúng tôi được quy định người bệnh phải được công khai về khám chữa bệnh, thuốc men và phản ánh về quá trình khám chữa bệnh đối với bác sĩ.
Tuy nhiên, người bệnh không hiểu hoặc do tâm lý lo sợ về tính mạng của bản thân mình cũng như người nhà nên không tuân theo. Điều đó sẽ gây khó khăn cho các cấp quản lý.
Vậy để khắc phục vấn đề này, chúng tôi nghĩ là cần phải công khai toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, thuốc men. Về phía bệnh viện cần phải nâng cao ý thức của thầy thuốc cùng chất lượng khám chữa bệnh đề người bệnh không sợ.
 PGS.TS Nguyễn Đức Chính.
Độc giả Lê Hoàng Nhã An (Dĩ An, Bình Dương): Dinh dưỡng bệnh viện là một điều rất quan trọng vì ăn là thuốc, thuốc là ăn. Đặc biệt các bệnh mạn tính do dinh dưỡng rất nhiều: uống rượu bia, hút thuốc lá...thế nhưng nhiều bệnh nhân ăn cơm bán ở hàng quán ven đường. Xin Phó Cục trưởng cho biết điều này gây tác hại thế nào đến quá trình chữa bệnh?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Vì lý do rất cơ bản là giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nội trú chưa bao gồm tiền ăn cho người bệnh nên việc chủ động cung cấp suất ăn cho người bệnh của bệnh viện gặp nhiều khó khăn.
Các bệnh viện dù cố gắng nhưng đa số chỉ mới đáp ứng được một số chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá chất lượng bệnh viện. Việc người bệnh, người nhà phải tự lo suất ăn cho người bệnh, nhất là trong các trường hợp phải áp dụng chế độ ăn bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Khoa Dinh dưỡng điều trị và khu vực cung cấp suất ăn cho người bệnh đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc chủ động cung cấp suất ăn bệnh lý và suất ăn cho người bệnh vừa đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho người bệnh góp phần giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Độc giả Trần Lan Anh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, xin ông cho biết tại sao các bệnh viện không lưu trữ hồ sơ bệnh án của lên website bệnh viện để biết được tiểu sử của bệnh nhân? Tại sao khi vào bệnh viện phải làm lại cả quy tình từ đầu, khám, xét nghiệm… cho dù đã có tất cả kết quả cần thiết tại tuyến dưới?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Theo quy định của Luật Khám chữa bệnh số 40/2009/QH12 , hồ sơ bệnh án được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về việc bảo vệ bí mật nhà nước. Chúng tôi lưu trữ hồ sơ bệnh án của người bệnh vào hệ thống máy tính nội bộ phục vụ cho công tác chuyên môn, luật pháp. Mỗi bệnh nhân sẽ được lưu trữ bằng một mã riêng.
Bộ y tế cũng đã chỉ đạo liên thông về xét nghiệm. Trong khoảng 35 bệnh viện phải đạt về vấn đề chất lượng ở mức 1 và ISO 15189 mới được liên thông. Như vậy, các xét nghiệm được chấp nhận nếu đạt yêu cầu về chất lượng.
Tôi nói ví dụ máy xét nghiệm sinh hóa tự động tại bệnh viên Việt Đức với bệnh viện khác thì khác nhau nên khi đưa ra kết quả cũng khác nhau.
Thứ 2 là liên quan đến con người đặc biệt về chuẩn đoán hình ảnh chỉ những người cóchuyên môn, có đào tạo mới đọc được chính xác những tổn thương, giúp cho bác sĩ trong quá trình điều trị.
Theo bộ y tế thì việc liên thông xét nghiệm cũng cần phải cân nhắc và tùy thuộc vào tính trạng người bệnh.
Tối nói ví du, một bệnh nhân đến bệnh viện bị chảy máu cấp.Từ lúc xét nghiệm ban đầu đến lúc một thười gian ngắn sau đó đã thay đổi rất nhanh và ảnh hưởng đến tiên lượng người bệnh nếu không làm xét nghiệm lại bác sĩ khó xử lý.
Vì vậy, chúng tôi cố gắng để hài hòa trong thời gian tới có thể sử dụng liên thông xét nghiệm của các bệnh viện bạn nhưng theo từng bước. Chúng tôi muốn hướng tới việc nâng cao chất lượng khi sử dụng xét nghiệm liên thông sẽ giảm bớt được gánh nặng chi phí, rút ngắn thời gian khám bệnh.
Độc giả Trần Minh Lâm (tranminhlam@gmail.com): Làm sao để bác sĩ không che giấu sự cố y khoa, thưa Phó Cục trưởng?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Việc báo cáo sự cố y khoa đầy đủ có ý nghĩa quan trọng giúp cho việc phân tích nguyên nhân gốc rễ gây ra sự cố, trong đó nhiều sự cố do lỗi hệ thống không phải lỗi do con người.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều rào cản trong việc báo cáo sự cố, đó là vẫn còn tồn tại “văn hóa trừng phạt” dẫn đến nhân viên y tế phản ứng bằng “văn hóa im lặng tập thể”, và nếu như vậy thì khó có thể cải thiện được an toàn người bệnh. Sự cam kết của lãnh đạo trong thiết lập “văn hóa công bằng”, sự tiếp cận phù hợp của cơ quan quản lý và cơ quan pháp luật là rất quan trọng khi xảy ra sự cố y khoa.
Độc giả Trần Thị Hồng Nga (Bình Thạnh, TP.HCM): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính Các bệnh viện luôn đặt mục tiêu không để người bệnh phải chờ đợi lâu khi khám bệnh. Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn với việc y bác sĩ chịu áp lực lớn về thời gian, không có đủ thời gian thăm khám bệnh cẩn thận cho bệnh nhân, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Tôi nghĩ vấn đề này thực ra không mâu thuẫn mà nó là mục tiêu chúng ta hướng tới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bao gồm cả thời gian cũng như chất lượng.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu trong 2 tiếng có thể đảm bảo hoàn thiện khám bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay, do tình trạng quá tải nên khó có thể đảm bảo trong 2 tiếng hoàn thiện.
Nếu đảm bảo thời gian, có thể sẽ xảy ra tình trạng bác sĩ không có thời gian khám chi tiết cho bệnh nhân dẫn đến chuẩn đoán thiếu chính xác, không kịp thời ngăn chặn, chữa trị cho bệnh nhân.
Nếu bố trí khám chữa bệnh hợp lý, khi mà xây dựng được quy trình chuẩn. Áp lực hay không tùy vào cá nhân. Nếu bác sĩ sắp xếp được thời gian hợp lý, hoặc có quy trình chuẩn đưa ra thì các bác sĩ cũng như bệnh nhân cũng tuân thủ, phối hợp để cải thiện tình trạng này.
Độc giả Nguyễn Lê Nam (namlen_us@gmail.com): Một sự cố y khoa nghiêm trọng vừa xảy ra tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong một buổi sáng có bốn trẻ sơ sinh chết. Ðã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ người dân cũng như chính những người công tác trong ngành y tế, đó là lỗi hệ thống, lỗi quy trình hay lỗi của cá nhân nào đó. Từ thực tế này cho thấy vấn đề an toàn cho người bệnh vẫn không được đảm bảo tại chính bệnh viện, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Qua sự cố 4 trẻ sơ sinh non tháng tử vong trong cùng một ngày tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, chúng ta rút ra được nhiều bài học trong vấn đề an toàn người bệnh.
Có một số nhóm nguyên nhân liên quan đến sự cố này hiện đã và đang được phân tích:
- Thứ nhất là vấn đề quá tải ở khu vực điều trị sơ sinh của bệnh viện, nhân lực mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu
- Thứ hai: đây là sự cố liên quan đến sốc nhiễm khuẩn trên trẻ sơ sinh non tháng có sức đề kháng yếu, tỷ lệ tử vong trên đối tượng này rất cao
- Thứ ba: cũng cần phải đánh giá toàn diện lại vấn đề kiểm soát các quy trình chăm sóc sơ sinh, đặc biệt là áp dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, việc giám sát tuân thủ quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Đây là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cá nhân, đơn vị khác nhau. Vấn đề này cũng không phải hiếm gặp ở nhiều bệnh viện khác.
Để giải quyết vấn đề chúng ta đang triển khai những giải pháp đồng bộ, từ việc ban hành quy trình, hướng dẫn, đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng, cho đến tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những lỗ hổng trong hệ thống để có giải pháp can thiệp. Vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, cần có sự quan tâm thỏa đáng đến những khu vực có nguy cơ cao và coi đó là ưu tiên trong chương trình hành động của mình.
Độc giả Thùy Linh (thuylinh@yahoo.com): Xin Phó Cục trưởng cho biết các yếu tố chính quyết định chất lượng khám chữa bệnh? Hiện tại chúng ta có thể làm gì để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Chất lượng khám, chữa bệnh dựa vào 5 nhóm yếu tố chính có tính chất quyết định, đó là:
- Chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh: cơ sở hạ tầng, thiết bị, quy trình quản lý vận hành v.v..
- Chất lượng của người hành nghề và nhân lực y tế
- Chất lượng chuyên môn (bao gồm năng lực chuyên môn, kiểm soát chất lượng)
- Hệ thống tiếp nhận ý kiến phản hồi người bệnh
- Năng lực quản lý điều hành của lãnh đạo.
Hiện nay, chất lượng khám, chữa bệnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và các cấp lãnh đạo cũng như ngành y tế.
Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động quốc gia, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng bộ công cụ (tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, các bộ chỉ số chất lượng), hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thiết lập hệ thống lấy ý kiến phản hồi của người dân qua đường dây nóng, hộp thư góp ý, khảo sát hài lòng người bệnh; Thực hiện chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực tuyến dưới v.v.. Sau một thời gian triển khai đã có những thay đổi rõ rệt được Đảng, Nhà nước và người dân ghi nhận.
Độc giả Nguyễn Cao Nguyên (caonguyen1981@gmail.com): Thưa Phó Cục trưởng, tới đây Bộ Y tế sẽ xếp hạng Bệnh viện theo hướng xếp hạng chất lượng? Bệnh viện nào chất lượng cao thì BHYT chi trả tỷ lệ cao, được người dân lựa chọn. Nhưng nếu tất cả người dân đều muốn đến những bệnh viện này thì sao, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Bộ Y tế sẽ tiến tới xếp hạng chất lượng bệnh viện và công khai mức chất lượng nhằm tạo động lực cho các bệnh viện không ngừng cải tiến chất lượng. Từ mức chất lượng này sẽ tiến tới gắn với giá dịch vụ theo mức chất lượng. Người dân có căn cứ để lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ có chất lượng và giá phù hợp.
Tuy vậy, nguy cơ quá tải đối với bệnh viện tuyến trên sẽ tăng nếu bệnh viện tuyến dưới không nỗ lực nâng cao năng lực và cải tiến chất lượng. Bệnh viện sẽ không thể bảo đảm duy trì hoạt động được nếu người bệnh không đến hoặc đến quá ít. Tất nhiên, Bộ Y tế cũng sẽ có các chính sách điều chỉnh cho phù hợp.
Độc giả Nguyễn Thanh Long (thanhlongnguyen@gmail.com): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Bệnh viện Việt Đức hiện có bao nhiêu bàn mổ cấp cứu? Và bệnh viện đã tăng cường được số bàn mổ cấp lên chưa thưa ông? Việc bệnh nhân vừa mổ xong được vài ngày đã phải chuyển viện vì không có giường nằm sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình phục hồi, đặc biệt là đối với bệnh nhân mổ sọ não, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Chúng tôi cũng được nghe nhiều về vấn đề này. Hiện bệnh viện chúng tôi có 4 phòng mổ chính. Trong trường hợp quá đông chúng tôi sử dụng một phòng mổ tại phòng khám để dùng cho trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như dẫn lưu máu màng phổi khi 4 phòng mổ này đang cấp cứu bệnh nhân.
Việc bệnh nhân vừa mổ xong được vài ngày đã phải chuyển viện vì không có giường nằm, theo quy định về báo cáo kết quả khám chữa bệnh sẽ có 4 mức độ: 1. Khỏi ra viện. 2 - ổn định. 3 – nặng hơn. 4 – tử vong.
Tuy nhiên, ở bệnh viện Việt Đức chúng tôi, bệnh nhân ở mức độ khỏi ra viện không nhiều mà chỉ ở mà chỉ ở mức độ ổn định. Rất may trong thời gian vừa qua, chúng tôi có các chương trình bệnh viện vệ tinh, đề án 18-16, chỉ đạo tuyến,… nên chúng tôi chuyển bệnh nhân ra viện những vẫn theo dõi và hỗ trợ tuyến dưới chữa bệnh. Do vậy, có thể đảm bảo về vấn đề sức khỏe của người bệnh khi phải chuyển viện.
Còn đối với trường hợp phải nằm lại bệnh viện nhưng do bệnh viện quá tải phải nằm ghép nhiều khi cũng ảnh hưởng đến quá trình điều trị do bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, thiếu nhân lực và trang thiết bị quá tải.
Độc giả Cao Hà Trang (caohatrang79@gmail.com): Thưa Phó Cục trưởng, hiện nay các bác sĩ thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, nhất là các bệnh viện tuyến trên… Vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Làm thế nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa: Rõ ràng bác sĩ bị quá tải nguy cơ xảy ra sự cố y khoa sẽ cao hơn. Trong thời gian vừa qua ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có đề án giảm quá tải bệnh viện. Cốt lõi của đề án này là thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, 18 bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật của 5 lĩnh vực hiện nay đang bị quá tải nghiêm trọng gồm: tim mạch, chấn thương, ung bướu, sản và nhi cho các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện.
Sau 4 năm thực hiện thì năng lực của bệnh viện tuyến tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên vẫn còn hết sức vất vả trong việc triển khai đề án này vì vừa phải triển khai công việc tại chỗ vừa phải lo đề án.
Độc giả Thái Bảo (Hoàng Mai, Hà Nội): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, tôi rất sợ vào Bệnh viện Việt Đức khám vì tình trạng chờ đợi rất lâu, có khi mất hết một ngày mới làm xong thủ tục xét nghiệm, chụp chiếu. Xin bác sĩ cho biết viện có cách nào để cải thiện vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Vấn đề này rất là đúng bởi tình trạng này không chỉ bệnh viện viện đức mà ngay cả các bệnh viện khác cũng xảy ra tình trạng này. Để giải quyết chúng tôi đã có một số biện pháp.
Một là triển khai đăng ký khám bệnh trên mạng, khi đó người bệnh có thể chủ động theo thời gian và theo bác sĩ lựa chọn.
Hai triển khai khám theo yêu cầu. Lấy ví dụ như các nước Thái Lan, Singapore,.. thì người bệnh thường được hẹn đến khám sau khi hết giờ làm việc tại công sở. Khi đó, bác sĩ được chỉ định khám theo yêu cầu cùng đội ngũ y tế cũng như trang thiết bị được chuẩn bị.
Hy vọng đầu năm 2018 chúng tôi có thể thực hiện được vấn đề này.
Hiện nay trung bình một ngày, trong cấp cứu chúng tôi tiếp nhận từ 200 – 250 trường hợp, còn khám chuyên khoa từ 600 – 800. Như vậy, trung bình mối ngày bác sĩ sẽ khám từ 20 – 30 bệnh nhân. Đặc biêt, những khoa quá tải như cột sống, chỉnh hình, phẫu thuật thần kinh sọ não,… các bác sĩ sẽ phải khám số lượng nhiều hơn.
Độc giả Phạm Duy: Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, hiện nay có tình trạng nhiều bệnh viện thường cố tình giữ bệnh nhân khi không chẩn đoán được chính xác bệnh lý hoặc chẩn đoán sai do không có đầy đủ trang thiết bị, trình độ chuyên môn hạn chế. Hậu quả bệnh nhân bệnh trầm trọng thêm, thậm chí tử vong.Vậy trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Câu hỏi này cũng hay nhưng cũng tế nhị. Khi bệnh nhân chuyển lên thường có hai vấn đề đặt ra, một là xin đi theo yêu cầu, hai là do vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới.
Tuy nhiên những bệnh nhân đi theo yêu cầu thường là tuyến dưới có thể làm được và liên quan đến bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân chuyển lên tuyến trên nhiều thì quỹ bảo hiểm sẽ chuyển lên theo tuyến trên.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rõ vấn đề, nếu người bệnh phải chuyển lên tuyến trên vì tình trạng bệnh thì không nên giữ vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Về trách nhiệm, theo tôi nghĩ liên quan đến người quản lý phải đưa ra những quy định cụ thể và tiêu chí người bệnh được chuyển tuyến để các bác sĩ thực hiện và và sẽ không bị vướng vào quy định của bảo hiểm và chuyên môn.
Độc giả Nguyễn Mai Anh (nguyenmaianh85@gmail.com): Thưa PGS.TS Nguyễn Đức Chính, có một thực tế dễ thấy là khi bệnh nhân khám ở phòng khám tư sẽ được đối xử và tiếp xúc khác hẳn khám ở bệnh viện công. Sự phân biệt đối xử ấy có thể quy thành vấn đề của y đức hay vì những nguyên nhân khác, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Tôi nghĩ vấn đề này cũng không hăn, bới Bộ y tế đã quy định rất rõ về vấn đề phong cách. Ngoài công tác chữa bệnh còn vấn đề ứng xử trong giao tiếp với bệnh nhân.
Mức độ phù lao của nhân viên y tế tại các bệnh viện công chưa phù hợp, cộng thêm việc quá tải dẫn đến việc có một số trường hợp nhân viên y tế ứng xử chưa đúng mực.
Ngoài ra vấn đề cạnh tranh giữa các cơ sở y tế công và tư. Bên công mạnh hơn về chuyên môn, bên tư mạnh hơn về trang thiết bị nên họ trú trọng vào công tác ứng xử để thu hút người bệnh.
Tuy nhiên không nên đưa vấn đề này vào y đức bởi vì xung quanh vấn đề này còn rất nhiều nguyên nhân khác khó lý giải trong giai đoạn hiện nay.
Độc giả Trần Bình (Quảng Ngãi): Nhiều bác sĩ trẻ tâm sự với tôi rằng, khi ra trường họ hăng hái đọc lời thề Hippocrates bao nhiêu thì khi va vấp thực tế thấy rằng giữ được điều ấy khó khăn bấy nhiêu. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, kết luận "nghèo thì khó giữ y đức" đúng bao nhiêu phần trăm?
PGS.TS Nguyễn Đức Chính: Khi vào trường chúng tôi có được học về lời thề Hippocrates trong đó nêu rõ, việc chăm sóc bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu. Quá trình học tập, các sinh viên được chiêm nghiệm rõ lời thề này khi đứng giữa ranh giới sống chết của từng bệnh nhân.
Tôi nghĩ đã chọn ngành y thì phần lớn không nói chuyện chuyện nghèo hay giàu mà phải xác định làm việc bằng cái tâm.
Xin trân trọng cám ơn ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế và PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Việt Đức đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay và giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả Kiến Thức, giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề "Làm thế nào cải thiện chất lượng và an toàn người bệnh".
PV

>> xem thêm

Bình luận(0)