Ngày 17/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Giang Kim Đạt và đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) theo đơn kháng cáo của các bị cáo.
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Giang Kim Đạt và cựu tổng giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm mức án tử hình về tội tham ô tài sản. Cùng tội này, cựu kế toán trưởng Vinashinlines Trần Văn Khương bị phạt tù chung thân. Bị cáo Giang Văn Hiển, cha Giang Kim Đạt, bị phạt 12 năm tù về tội rửa tiền.
“260 tỷ là tiền môi giới chứ không tham ô”
Sau phiên xử sơ thẩm, cả bốn bị cáo trong vụ án này đều kháng cáo kêu oan. Tại tòa, tất cả bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo. Riêng bị cáo Giang Văn Hiển (cha
bị cáo Giang Kim Đạt) tuy kháng cáo kêu oan nhưng lại có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Trong buổi sáng 17/8, HĐXX đã cách ly để thẩm vấn riêng bị cáo Đạt. Bị cáo này tiếp tục kêu oan với lý do số tiền các công ty nước ngoài gửi về cho bị cáo (16 triệu USD, tương đương 260 tỷ đồng) là tiền môi giới hợp pháp và tiền bị cáo làm dịch vụ thương mại, hoàn toàn không liên quan đến việc mua tàu và cho thuê tàu của Vinashinlines.
Giải thích về lý do bỏ trốn, Đạt khai bị cáo có tham gia ký nháy vào việc mua tàu Hoa Sen nên khi nghe thông tin về vụ án này, bị cáo lo sợ nên bỏ trốn. Đạt trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch qua Tây Ninh bằng hộ chiếu giả, tên Bùi Đức Thắng. Trong năm năm bị truy nã, bị cáo thường xuyên qua lại Campuchia và Singapore bằng hộ chiếu giả này.
Đạt khai có ba hay bốn tài khoản ở Singapore. Bị cáo không nhớ cụ thể số tiền có trong tài khoản nhưng ước khoảng một vài triệu USD. Bị cáo đã dùng tiền trong những tài khoản này để mua bất động sản ở Singapore và Anh. Trước đây bị cáo có hai căn nhà đứng tên bị cáo ở Singapore, đã bán một, hiện còn một nhà trị giá hơn 5,6 triệu USD.
Trong khi đó, cựu tổng giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm đã thay đổi kháng cáo, cho rằng mức án tử hình tòa sơ thẩm tuyên là quá nặng. Bị cáo Liêm đề nghị HĐXX xem xét lại yếu tố nhân thân và việc gia đình đã tự nguyện khắc phục hậu quả, nộp lại toàn bộ 3,1 tỷ đồng đã chiếm đoạt theo phán quyết của bản án sơ thẩm, để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo…
Ba nơi giành làm nguyên đơn dân sự
Một diễn biến đáng chú ý khác, dù bản án sơ thẩm xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án này là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Vinashin nhưng tại phiên phúc thẩm có đến ba đại diện cho rằng doanh nghiệp mình là nguyên đơn dân sự.
Đại diện Vinashinlines vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị xác định nguyên đơn dân sự là Vinashinlines. Vị này cho rằng theo quy định, Vinashinlines là đơn vị hạch toán độc lập, vụ án xảy ra tại Vinashinlines, các bị cáo là cán bộ của Vinashinlines, các tàu là của Vinashinlines. Vị đại diện này cho biết từ tháng 2-2015 đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Vinashinlines.
Đại diện Vinashin thì cho biết tới thời điểm này Vinashinlines vẫn nợ Vinashin 48 triệu USD và 73 tỷ đồng. “Vinashinlines phá sản thì khả năng thanh toán cho Vinashin không còn. Thiệt hại cuối cùng vẫn là của Vinashin nên Vinashin là nguyên đơn dân sự” - vị đại diện này nói.
Tại tòa, đại diện của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines khẳng định Vinalines vẫn giữ kháng cáo đề nghị xác định Vinalines là nguyên đơn dân sự. Bởi theo quyết định của Thủ tướng, Vinashinlines được chuyển nguyên trạng cho Vinalines và Vinalines phải chịu trách nhiệm về toàn bộ khoản nợ của doanh nghiệp này.
Hôm nay (18/8), tòa vẫn tiếp tục phiên xử.