Trả lời trước Quốc hội về việc gian lận thi cử 2018 ngày 31/5, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ một lần nữa nhận trách nhiệm với vai trò tư lệnh ngành vụ gian lận thi cử kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 xảy ra ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình.
Cùng với đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm; Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi (nhất là ở khâu chấm thi) ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh…
Dù để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Nhạ cho biết thêm, Bộ đã triển khai một số giải pháp cơ bản. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, Bộ trưởng Nhạ đã nhận trách nhiệm, đã chỉ rõ lỗ hổng thì cần hành động quyết liệt chứ không chỉ… cứ thế nói suông.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Liên quan vụ việc gian lận thi cử xảy ra tại các tỉnh trên và việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp - Nguyên Trưởng khoa Nhân học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM xung quanh những vấn đề này.
Xảy ra sai phạm thi cử, rõ ràng Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm
- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã tiếp tục nhận trách nhiệm với vai trò tư lệnh ngành vụ gian lận thi cử kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 xảy ra ở một số địa phương. Dư luận cho rằng, Bộ trưởng cần hành động quyết liệt chứ không thể nói suông, PGS nghĩ sao về vấn đề này?
- Trong vụ gian lận thi cử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, rõ ràng Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm. Do vậy, việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm với vai trò tư lệnh ngành cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, việc khắc phục hậu quả cũng là trách nhiệm của Bộ Giáo dục phải làm. Theo lời Bộ trưởng thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn thật kỹ; điều các cán bộ coi thi và tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra, nâng cấp và mã hóa toàn bộ dữ liệu đánh phách, camera giám sát chặt chẽ kỳ thi. Đối với bài thi tự động thì chấm thành 2 vòng, 5% chấm lại đối với các bài thi được điểm cao. Đồng thời Bộ cũng đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước giám sát để kỳ thi 2019 đảm bảo an toàn. Những việc làm trên là cần thiết để chấm dứt các tiêu cực trong thi cử.
|
Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. |
Tiêu cực xảy ra chỉ là tảng băng nổi, tảng băng chìm mới khủng khiếp
- Tiêu cực thi cử xảy ra, dư luận cho rằng, không chỉ là trách nhiệm riêng ngành giáo dục mà còn liên quan đến cả chính quyền địa phương can dự vào,PGS đánh giá sao việc này?
- Vụ việc này liên quan đến ngành giáo dục đã lâu lắm rồi. Trước đây, thi cử chấm ở các trường, trong đó có các trường khối công an, khối quân đội còn ghê gớm lắm, tảng băng chìm, tảng băng nổi. Vụ việc gian lận thi cử xảy ra gắn liền với vấn đề tham nhũng, cũng như vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay, chứ không riêng gì ngành giáo dục.
Các thí sinh gian lận thi cử hầu hết là con em của các lãnh đạo, cán bộ địa phương, đều là những người có chức sắc, thậm chí có tiền cả. Thậm chí có người liên quan còn là Bí thư cấp tỉnh.
Do vậy có thể thấy, gian lận thi cử xảy ra không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục mà nó còn liên quan đến cả chính quyền địa phương can dự vào. Đơn cử, Giám đốc Sở GD&ĐT là một thành viên trong Tỉnh ủy và cũng là một thành viên trong UBND tỉnh thì rõ ràng khi có sự nhúng tay của quan chức ban ngành nên không thể chống đối lại được. Bởi thực tế thi cử thì giáo dục là trực tiếp nhưng khi bị chỉ đạo, rồi để thế này thế kia, quan hệ, rõ ràng liên quan nhiều thứ.
|
Cơ quan điều tra công bố quyết định khởi tố ông Trần Xuân Yến - Ảnh cắt từ clip
|
Không chỉ ngành giáo dục chịu trách nhiệm
- Như vậy, đồng nghĩa với việc không chỉ ngành giáo dục chịu trách nhiệm?
- Một mặt, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, cũng cần quy trách nhiệm cho tổ chức của tỉnh như Tỉnh ủy, UBND, các ban ngành có liên quan, kể cả tư pháp với công an. Nếu không giải quyết, làm rõ được những đơn vị, cá nhân chịu trách nhiêm thì vấn nạn này sẽ không giải quyết triệt để được và có thể vẫn xảy ra trong những kỳ thi tiếp theo.
Bởi vậy, các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, kể cả các ban ngành cũng phải “tỉnh” ra, rút ra bài học kinh nghiệm để không can dự vào kết quả kỳ thi.
Khi nào vẫn còn sự can dự của chính quyền địa phương, lãnh đạo ban ngành thì ngành giáo dục cũng chịu thua vì họ không thể một mình đứng ra giải quyết chuyện này được.
Có người dùng tiền để can thiệp, cũng sẽ có người dùng quyền để can thiệp
- Trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, có bị can khai để rút bài sửa nâng điểm 3 môn đạt đến mức tổng điểm yêu cầu trong tổ hợp xét tuyển đại học, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện nay cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật để kết luận có việc đưa hoặc nhận tiền hay không?, ông nghĩ sao về việc này?
- Theo quan điểm của tôi, về hoạt động đưa và nhận tiền, dẫn tới câu chuyện gian lận trong thi cử này, công an đang điều tra và chắc chắn sẽ điều tra được. Ai đút lót hối lộ? Ai chạy điểm cho con? Nếu là cán bộ công chức, quan chức thì phải lưu danh tính và nếu có hành vi đút lót và chạy thực sự đã diễn ra thì phải xử lý nghiêm minh.
Bởi có người dùng tiền để nâng điểm nhưng cũng có người có chức vụ cao thì dùng quyền để can thiệp điểm thi mà gọi đúng tên là tham nhũng quyền lực. Phải điều tra và công khai, mức độ vi phạm thế nào thì phải kỷ luật, xử lý tương xứng theo các quy định của pháp luật.
Kỷ luật nghiêm những người nhúng tay vào việc này kể cả quan chức địa phương, kể cả những người có tiền bạc và không có tiền bạc mới dẹp được vấn nạn chạy điểm. Bởi việc chạy điểm này diễn ra lâu lắm rồi và tại nhiều địa phương chứ không phải bây giờ mới có.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp. |
Bước đi sai lầm nối tiếp sai lầm của các phụ huynh
- Bỏ ra một số tiền lớn, rồi dùng quyền lực can thiệp vào điểm thi, nhiều phụ huynh đang nhấn con em mình xuống bùn lầy khi bị lộ về việc chạy chọt, can thiệp điểm thi, đáng tiếc họ đa số là cán bộ đang công tác trong bộ máy chính quyền, là một chuyên gia giáo dục, ông nghĩ sao về việc này?
- Chạy điểm cho con là một việc làm hoàn toàn sai lầm, vừa mất tiền, vừa mất danh dự, vi phạm pháp luật mà hậu quả lại nặng nề. Con cái không đủ điểm vào trường nọ, trường kia bỏ tiền ra chạy để vào cho bằng được. Nhưng năng lực của con cái không đủ theo học, bố mẹ lại tiếp tục phải bỏ tiền ra để chạy chọt trong thời gian theo học. Số tiền tiêu tốn cũng không phải là ít. Sau đó, ra trường với năng lực thấp kém, đi lên từ chạy chọt thì về mặt nhân cách, đạo đức, nghề nghiệp đều kém thì không đảm nhiệm được trách nhiệm được giao nhất là các nghề như bác sĩ, công an, quân đội. Họ không thể gánh được trách nhiệm của công dân khi ăn lương nhà nước để làm những việc đó.
Rõ ràng, hệ quả của việc chạy chọt, can thiệp nâng điểm không phải chỉ bây giờ mà còn là hệ quả lâu dài. Thậm chí, những người nhờ chạy điểm mà đi lên, họ mất tiền rồi họ phải tìm cách lấy lại tiền nên lại sinh ra tham nhũng. Nên phải chấm dứt ngay chuyện này, phải chặn ngay từ đầu mà trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục mà của cả chính quyền địa phương.
Chạy chọt trong giáo dục thì diễn ra lâu nay từ thi phổ thông, thi trường chuyên, lớp chọn chứ không chỉ thi đại học đã có chuyện mua điểm, nâng điểm. Nó là hiện tượng nhức nhối của ngành giáo dục. Có những quan chức giáo dục thì rất là giàu có do tham nhũng, trong đó nhiều giáo viên lai lưng dạy cả đời thì vẫn nghèo khổ. Bất bình đẳng, bất công trong giáo dục vẫn xảy ra như nhiều ngành nghề khác là như thế.
Tham nhũng lây lan, tiêu cực lây lan như thế phải chấn chỉnh. Mà muốn chấn chỉnh thì toàn xã hội phải vào cuộc, nhất là thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Hãy giáo dục con chăm chỉ học tập từ nhỏ để đi lên bằng đôi chân của mình chứ không phải dùng tiền chạy chọt để con cái và bản thân phải nhận sự nhục nhã.
- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp về cuộc trao đổi trên!