Già làng Cơtu mê đắm làm ná truyền thống

Google News

Những chiếc ná một thời đã theo người Cơtu ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) lên non ngàn, vượt rừng săn bắn... đang dần mất đi bởi sự thay đổi của tự nhiên và lối sống. 

Người làm ná cuối cùng
Lên xã Lăng, hỏi nhà già làng Cơ Lâu Năm (80 tuổi), người dân tộc Cơtu, ở thôn Pơ Ning, nhiều người biết. Ngoài một già làng Cơtu gương mẫu, ông còn là người cuối cùng trên vùng cao Tây Giang biết chế tác và sử dụng ná thành thạo…
Già làng Cơ Lâu Năm chia sẻ: “Người Cơtu gọi chiếc ná là Pa'nanh - vật dụng hết sức thiêng liêng, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông Cơtu. Xưa kia, người Cơtu sống ở vùng rừng núi, có nhiều thú dữ nên phải ở nhà sàn, lúc đi rừng, lên nương đều luôn mang theo ná để phòng thân và săn, đuổi thú phá hoa màu. Ngay cả trẻ con và phụ nữ cũng sớm làm quen với ná, tên và được người lớn đưa đi rừng…”.
 Già làng Cơ Lâu Năm trò chuyện với khách về quy trình chế tác ná. Ảnh: N.V.S
Theo già Cơ Lâu Năm, để làm 1 cây ná phải mất hàng tháng. Đàn ông Cơtu phải vào rừng tìm cây, rồi đánh dấu lại, đến thời gian nhất định trong tháng mới đến chặt, vì khi đó chất gỗ sẽ săn chắc hơn, không bao giờ bị mọt ăn. Gỗ phải là đoạn giữa thân cây.
Sau khi đốn được đem về chặt ra thành từng bộ phận riêng biệt, rồi dùng dao mác nhỏ gọt hai đầu đều nhau. Sau đó lấy tâm điểm của cánh ná làm chuẩn vót nhỏ dần ra hai bên, đoạn cuối gọt hai khấc nhỏ bằng đốt ngón tay dùng để móc dây ná.
Lúc này, họ mới lấy một sợi dây cột ở giữa treo lên như chiếc cân dây rồi từ từ chỉnh cho đều nhau, đến khi 2 bên cân xứng nằm song song với mặt đất. Cánh ná được gọt hình cung rất đều, có đánh dấu ở tâm, tùy theo sở thích của mỗi người mà kiểu dáng uốn lượn cũng khác nhau. Tiếp theo cánh ná, người Cơtu làm thân ná cũng với sự kỳ công và khéo léo…
Vẫn là một phần đời sống
Bên ngôi nhà gươl của làng, ánh mắt già Cơ Lâu Năm nhìn ra xa xăm, già nhớ lại: “Ngày trước, ba tôi chính là người hướng dẫn cho tôi biết cách làm ná. Để làm được ná của người Cơtu thì người siêng năng mới có thể làm được. Việc làm lẩy ná (hay còn gọi là cò) là yếu tố rất quan trọng.
Người có tay nghề cao thì dây ná bám rất chắc vào lẩy, có thể kéo dây gắn vào lẩy và tung lên không trung rồi bắt lại, dây ná vẫn nguyên vẹn trên lẫy. Nhưng chỉ cần lấy 2 ngón tay kéo nhẹ cò, dây sẽ bật ra đưa mũi tên lao đi. Một cây ná có độ chuẩn cao, có khả năng bắn xa đến 500m”.
 Già làng Cơ Lâu Năm.
Xưa, đồng bào Cơtu còn ở nhà sàn, ngoài công việc làm rẫy, săn thú rừng thì chiếc ná là vũ khí lợi hại của những đàn ông giữ đất, giữ làng. Hôm nay, đồng bào Cơtu đã có cuộc sống khấm khá hơn, nhưng chiếc ná vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa.
Hằng năm, đồng bào Cơtu thường tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, tổ chức khánh thành gươl mới của làng. Những lễ, hội đó thường lồng các hoạt động như thi bắn ná, chế tác ná để con cháu hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống. Già làng Cơ Lâu Năm ngậm ngùi: “Cả làng bây giờ chắc chỉ còn tôi ngày ngày đục đẽo ná. Không ai dùng thì họ làm ná ra làm gì. Vả lại làm ná đâu có dễ, để đẽo ra một chiếc ná phải mất cả tháng trời…”
Theo Văn Sơn/ Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)