Gắn biển công trình chào mừng ĐHĐB Thành phố lần thứ XVI tại trạm 220kV Tây Hồ

Google News

(Kiến Thức) - EVN HA NOI vừa gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI cho công trình “Trạm biến áp 220kV Tây Hồ và đường dây 220 kV Chèm - Tây Hồ.

Sáng 7/10/2015, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho công trình “Trạm biến áp 220kV Tây Hồ và đường dây 220 kV Chèm - Tây Hồ”. Công trình do Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 763 tỷ đồng.
Đến dự và chỉ đạo, về phía Lãnh đạo Thành phố có đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đồng chí Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo và đồng chí Nguyễn Quang Huy - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội; về phía Sở Công thương Hà Nội có đồng chí Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương; đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Chính quyền địa phương, các nhà thầu tham gia xây dựng công trình; các cơ quan thông tin thông tấn báo chí... và toàn thể Ban Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, lãnh đạo các Ban, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội phát biểu tại Lễ gắn biển.
Trạm biến áp 220kV Tây Hồ và đường dây 220kV Chèm - Tây Hồ là một trong những dự án trọng điểm, cấp bách do Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đầu tư thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh của Thủ đô Hà Nội nói chung và địa bàn các Quận Tây Hồ; Ba Đình; Hoàn Kiếm; Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
phát biểu chỉ đạo tại Lễ gắn biển.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ gắn biển công trình, thay mặt Ban Lãnh đạo thành Phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh “Ban Lãnh đạo thành phố ghi nhận và biểu dương thành tích của Tổng công ty truyền tải điện, các Quận, Huyện trên địa bàn và đặc biệt là Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã không quản ngại khó khăn hoàn thành công trình Trạm biến áp 220kV Tây Hồ và đường dây 220kV Chèm - Tây Hồ. Đây là một công trình quan trọng cấp bách trong việc cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn Thủ đô.” Bên cạnh đó, đồng chí đã đề nghị Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khai thác, quản lý vận hành một cách hiệu quả, tập trung theo phương châm Điện đi trước một bước; đề nghị các Sở ngành, Quận, Huyện địa phương tiếp tục tạo điều kiện để Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ góp phần xây dựng và sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao Bằng chứng nhận công trình Chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội cho Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội. 
 
Các đại biểu cắt băng gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Cũng tại buổi lễ, nhiều tập thể cá nhân đã được Ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công trình.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội trao tặng Giấy khen của Tổng công ty cho các cá nhân tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công trình.
 
Một số thông tin về trạm biến áp 220kV Tây Hồ và đường dây 220kV Chèm - Tây Hồ:
* Trạm biến áp 220kV Tây Hồ: là trạm biến áp 220kV đầu tiên do EVN HANOI đầu tư xây dựng và quản lý vận hành toàn bộ. Trạm biến áp 220kV Tây Hồ được xây dựng trên diện tích khoảng 4.360m2, trong đó, diện tích đất xây dựng trạm biến áp khoảng 3.325m2, trạm được thiết kế hiện đại gồm 02 máy biến áp với công suất 250MVA, hiện nay, trạm đã vận hành 1 máy biến áp AT2 có công suất 250MVA; Thiết bị chính phía 220kV và 110kV được sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại của hãng Siemens - Đức, các thiết bị GIS 220kV; thiết bị GIS 110kV được lắp đặt trong nhà; Hệ thống điều khiển, bảo vệ của trạm được sử dụng các thiết bị tiên tiến điều khiển bằng máy tính, có thể điều khiển và thao tác vận hành tại chỗ hoặc điều khiển từ xa từ Trung tâm điều khiển đặt tại 69 - Đinh Tiên Hoàng. Việc thiết kế, thi công và lắp đặt thiết bị công nghệ hiện đại tại trạm biến áp 220kV Tây Hồ vừa đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật - công nghệ, vừa đảm bảo mỹ quan và hài hòa với môi trường, diện tích chiếm dụng đất ít nhất. Theo yêu cầu tăng trưởng phụ tải, dự kiến máy biến áp AT1 sẽ được lắp đặt và đưa vào vận hành trong năm 2016.
* Tuyến đường dây 220kV Chèm - Tây Hồ: Là tuyến đường dây được thực hiện cải tạo, nâng cấp từ đoạn tuyến đường dây 110kV Chèm - Yên Phụ được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 1984 thành tuyến đường dây 04 mạch (bao gồm 02 mạch 220kV, 02 mạch 110kV), cải tạo từ cột bê tông và cột thép hình hiện có thành cột thép đơn thân, nên đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan và an toàn trong thành phố. Móng cột được thiết kế sử dụng móng cọc nên diện tích chiếm đất nhỏ, các vị trí móng được bố trí chủ yếu tại các vị trí móng hiện tại, đồng thời tận dụng lại hành lang của tuyến đường dây 110kV hiện có. Với chiều dài 3,83 km đường dây trên không và 0,25 km cáp ngầm (gồm 23 vị trí cột đi qua địa bàn phường Thụy Phương, Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm và phường Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ). Dây dẫn điện sử dụng dây nhôm lõi thép ACSR500/64 cho mạch 220kV và ACSR400/51 cho mạch 110kV; Cáp ngầm sử dụng cáp đồng 1 lõi cách điện XLPE, tiết diện 1600mm2 cho mạch 220kV và tiết diện 1200mm2 cho mạch 110kV, cáp được bố trí đi trong Tuynel xây dựng dọc tường bao trạm biến áp 110kV Nhật Tân và dưới phần đất vườn đào. Đây là dự án cấp bách thực hiện đồng bộ để cấp điện cho Trạm biến áp 220kV Tây Hồ, đáp ứng nhu cầu truyền tải công suất từ nguồn điện đến gần các phụ tải quan trọng, giảm tải các cho các đường dây 110kV trong khu vực các quận trung tâm thành phố Hà Nội nhằm: Giảm được tổn thất điện năng của lưới điện khu vực; Nâng cao được độ tin cậy an toàn cung cấp điện và linh hoạt trong quá trình vận hành của lưới điện khu vực; Nâng cao sự hỗ trợ giữa các nguồn điện trong hệ thống điện khu vực thành phố Hà Nội; Cải thiện được chất lượng điện năng, đảm bảo sự phát triển kết cấu lưới ổn định đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như phù hợp với sự phát triển lưới điện trong tương lai; Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và đời sống nhân dân các quận trung tâm như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm…




PV

Bình luận(0)