Sáng 5/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 trong nước và nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị Covid-19.
Cho rằng Việt Nam không phải ngoại lệ trong đại dịch, Thủ tướng dẫn chứng ngay những quốc gia có biện pháp chống dịch rất quyết liệt và có nền y học tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... cũng bị tác động bởi chủng Omicron.
Riêng với vấn đề về vaccine và thuốc điều trị Covid-19, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ: “Chính phủ rất sốt ruột về việc này trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vaccine”.
Xây dựng lộ trình tiêm vaccine mũi 3
Nhấn mạnh vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đóng vai trò rất quan trọng, Thủ tướng cho biết đến nay chiến lược vaccine đạt kết quả tốt. Việt Nam đã tiêm mũi 1 đạt 94%, mũi 2 đạt 69%. So với các nước, Việt Nam thuộc nước có tỷ lệ tiêm chủng cao mặc dù xuất phát điểm chậm.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nêu diễn biến dịch còn phức tạp do xuất hiện chủng virus mới, do đó chiến lược phòng chống dịch không chỉ có thời gian 2 năm mà có thể phải lâu dài hơn.
Ông đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chủ động kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả, an toàn để bảo đảm đủ vaccine phòng, chống dịch; thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vaccine.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng đặt mục tiêu đến ngày 15/12, tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất là hoàn thành trong tháng 12. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu cần có lộ trình tiêm vaccine mũi thứ 3, trước hết là cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng ưu tiên; khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi...
Mặt khác, Thủ tướng chỉ đạo lên kế hoạch tiêm vaccine năm 2022; hoàn thành báo cáo, phân tích và quan điểm của Ban Chỉ đạo về vấn đề tiêm vaccine đối với trẻ em từ 5 đến 12 tuổi trình cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ đối tượng để tiêm vét mũi 2; rà soát, đánh giá lại các sự cố, bất cập trong thời gian qua một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở đó có thông tin chính xác, kịp thời đến với nhân dân.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tránh tiêu cực trong vấn đề phân bổ, tiêm vaccine. Nếu địa phương còn yếu, thiếu điều kiện tiêm vaccine cho người dân, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực để tăng tốc tiêm vaccine cho nhân dân đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Về thuốc điều trị Covid-19, các bộ, ngành chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyển cho ý kiến; chủ động tính toán về nhu cầu, chủng loại, số lượng, khả năng đáp ứng và phương án phân bổ; đặc biệt phải có cơ số thuốc thiết yếu dự phòng cho tình huống diễn biến xấu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường và kiên quyết xử lý nếu có tiêu cực.
Dự kiến có khoảng 211 triệu liều vaccine
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều. Trong đó, số vaccine đã tiếp nhận đến hết ngày 3/12 là hơn 150 triệu liều.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy số lượng vaccine tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đã có đủ 95% với khoảng 68,4 triệu liều.
Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng Covid-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ...
Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điểu trị Covid-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng.
Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.