17h hôm nay (30/6), họp báo của Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung thời gian qua.
Cuộc họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NB-PTNT), Y tế, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh...
Nội dung cuộc họp tập trung vào công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, cùng với đó là giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng.
17h00: Họp báo bắt đầu, rất đông các cơ quan báo chí có mặt, trong đó có cả báo chí quốc tế. Hai bên bàn chủ tọa đã chuẩn bị sẵn hai màn hình máy chiếu lớn.
Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam Chu Văn Minh đã có mặt để chủ trì cuộc họp báo chuyên đề công bố nguyên nhân sự cố môi trường biển tại miền Trung thời gian vừa qua.
|
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo Chính phủ. Ảnh: Zing News.
|
Mở đầu, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tới phóng viên ở trong và ngoài nước về "sự cố bất thường" gây chết hải sản tại 4 tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Dũng, đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đời sống người dân và an ninh trật tự xã hội.
Ngay sau khi có thông tin về sự cố, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng trên tinh thần khách quan, chính xác và đúng pháp luật, xác định rõ đối tượng để xử lý đúng pháp luật.
Formosa là thủ phạm làm cá chết hàng loạt
17h15: Theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam cũng đã huy động trên 130 nhà khoa học trong và nước, thu thập dữ liệu, có sự phản biện của các chuyên gia quốc tế và xác định có nguồn thải từ khu vực Vũng Áng.
Ông Mai Tiến Dũng nói: "Xác định có nguồn thải từ khu vực Vũng Áng, đây là nguồn thải lớn nhất, chứa độc tố có tỷ trọng lớn hơn nước biển theo dòng hải lưu Bắc – Nam từ Hà Tĩnh – TT. Huế là nguyên nhân gây ra cá chết.
Bộ TN&MT đã chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa có một số hành vi vi phạm dẫn đến nước thải từ công ty xả thải ra biển chứa độc tố phenol xyanua hydroxit sắt vượt mức cho phép".
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kết luận, tổ hợp nhà máy Formosa là nguyên nhân gây ra vụ cá chết nghiêm trọng. Và công ty Formosa cũng đã nhận trách nhiệm về vụ việc trên.
17h35: Phát clip lãnh đạo Formosa xin lỗi người dân và Nhà nước Việt Nam.
17h25: Ông Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết 5 điểm:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.
3. Cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.
4. Phối hợp bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường để tạo niềm tin với người dân VN và bạn bè quốc tế.
5. Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật VN.
17h40: Nhiều phóng viên đặt câu hỏi
Báo Tiền Phong: Xin hãy cho biết quá trình xác định nguyên nhân hải sản chết tại miền Trung như thế nào? Sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước?
Vietnamnet: Bộ trưởng nói cá chết do độc tố cực mạnh thải ra môi trường. Vậy sao gần 3 tháng mới công bố nguyên nhân cá chết?
VTV: Xin hỏi Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đến nay việc xác định nguyên nhân và thủ phạm cá chết ở miền Trung được coi là chậm so với đòi hỏi của dư luận?
Vì sao chậm công bố nguyên nhân cá chết?
17h46, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà trả lời: "Đây là sự cố xảy ra trên diện rộng rất phức tạp nghiêm trọng nên phải tiến hành khách quan, bài bản, chính xác. Trước yêu cầu chính đáng của người dân, với sức ép rất lớn, chúng tôi xác định phải tiến hành công việc này có tính toán đầy đủ để đảm bảo chứng cứ không chỉ xác định nguyên nhân vì sao mà còn xác định ai làm thủ phạm.
|
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà (áo xanh) và Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn (áo đen). Ảnh: Zing News. |
Theo đó, các cơ quan chức năng đã chia làm 3 nhóm để tiến hành: Thứ nhất là phải hình dung được, giải thích được cái gì đang diễn ra từ 4 tỉnh ven biển của miền Trung, cơ chế gì gây ra cái chết của hải sản. Đây là nhóm rất khó rất phức tạp. Thứ hai, xác định nguồn gây ô nhiễm từ đâu. Và thứ ba, xác định thủ phạm là tổ chức, cá nhân nào.
Nhóm thứ nhất tập trung trên 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, ở các lĩnh vực khoa học sinh học, hải dương học, vũ trụ học và tiến hành nhiều công việc từ lấy mẫu, xét nghiệm mẫu cá, mẫu nước, sinh vật phù du và nhiều hoạt động khác nhau từ việc xác định lộ trình, kể cả hồi cố lại sự việc. Nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ khoa học phải xuống biển để lần theo dấu vết, tìm theo các nguồn phát tán.
Qua lao động khoa học và vất vả thậm chí nguy hiểm, qua tiến hành hàng nghìn thí nghiệm, chúng tôi còn phải đối chứng với quốc tế để đảm bảo tính pháp lý".
"Khi có kết quả, Thủ tướng chỉ đạo, việc làm khoa học phải theo trình tự khoa học nên chúng tôi đã lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học trong và ngoài nước một cách độc lập. Vì thế hôm nay chúng tôi mới công bố", Bộ trưởng Hà thông tin.
Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn bổ sung: "Điều tra nguyên nhân và điều tra thủ phạm là 2 quá trình khác nhau. Điều tra nguyên nhân là các nhà khoa học. Còn điều tra tìm thủ phạm là các cơ quan điều tra phối hợp với các nhà khoa học và đối tượng là con người nên phức tạp hơn nhiều. Quá trình điều tra được phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật, khoa học chuyên ngành... Quá trình điều tra khách quan, các cơ quan tham gia điều tra đã nỗ lực rất lớn và làm hết chức năng của mình".
Báo điện tử Infonet đặt câu hỏi: Có hay không việc che giấu thông tin về cá chết tại miền Trung?
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời: "Ngay sau khi sự cố xảy ra, báo chí đã thông tin rộng rãi về vụ việc. Tuy nhiên, có một thời gian để đảm bảo cho quá trình điều tra, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan báo chí tạm ngừng các thông tin suy diễn, quy chụp để tránh tác động và gây trở ngại tới quá trình điều tra. Trong một vụ việc phức tạp như cá chết vừa rồi điều tra của báo chí không thể thay thế được điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các nhà khoa học".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bổ sung: "Nếu chúng tôi cung cấp thông tin hết, sẽ không còn “bảo bối” để đấu tranh với thủ phạm".
18h35, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu kết thúc buổi họp báo:"Trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng yêu cầu rà soát tất cả quy hoạch liên quan tới môi trường, các tiêu chuẩn liên quan tới môi trường các và các hoạt động khác. Với các cán bộ có liên quan trực tiếp tới công tác này, dù có ở cấp nào cũng phải xử lý theo đúng pháp luật.
Cảm ơn các tùy viên báo chí nước ngoài, các bạn đồng nghiệp, các vị đại biểu".
|
Công bố nguyên nhân, thủ phạm làm cá chết hàng loạt ở miền Trung. Ảnh: NLĐ. |
Trước đó, từ tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt bất thường bắt đầu xuất hiện đầu tiên tại vùng biển gần khu công nghiệp Vũng Áng (ở Sơn Dương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nơi công ty Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đặt nhà máy rất lớn), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Trong số các nguồn xả thải gần khu vực Vũng Áng, công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) bị nghi vấn hệ thống xả thải ngầm của công ty này không đảm bảo và nhiều phụ phẩm độc hại thải ra biển khiến môi trường biển biến động đột ngột, cá tầng đáy chết hàng loạt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra cá chết, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật dù bất kỳ là ai vi phạm các nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng, trong gần ba tháng qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bảo đảm khách quan, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật. Đến nay, đã xác định được nguyên nhân và đối tượng chịu trách nhiệm về cá chết hàng loạt, cũng như giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và phương án đền bù cho người dân bị ảnh hưởng.
Video: Formosa xin lỗi người Việt vì gây ra vụ cá chết ở miền Trung: