Với giá 6 tỉ đồng mỗi chiếc, xe buýt 2 tầng mui trần có sức chứa đến 80 người, được trang bị nhiều điều kiện tối ưu, như: WiFi miễn phí, cổng sạc USB, tủ lạnh, màn hình, camera quan sát..., Hà Nội hy vọng thu hút được số lượng khách du lịch nội địa và nước ngoài.
Giá vé quá cao
Cụ thể, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, TP có những tiềm năng du lịch lớn mà tuyến buýt 2 tầng là sản phẩm du lịch nên đối tượng phục vụ chính là du khách, khách nước ngoài. Tuy nhiên, hiện số lượng xe buýt 2 tầng ít (4 xe), thời gian chờ giữa các chuyến lâu (30 phút) nên chưa thu hút được người dân TP và hơn 23 triệu du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Sở GTVT cho rằng đơn vị thực hiện thí điểm chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, phải liên kết với doanh nghiệp khác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, điều hành dẫn đến mức phí cao nên sở cần thêm thời gian để xây dựng, quảng bá.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia và người dân nhận xét giá vé tuyến City Tour 01 quá đắt để thu hút người dân. Loại 4 giờ là 300.000 đồng, 24 giờ là 450.000 đồng, 48 giờ là 650.000 đồng. Đến tháng 7-2018, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) mới quyết định bổ sung thêm loại vé 2 giờ giá 196.000 đồng.
Anh Nguyễn Đình Anh (ngụ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chia sẻ: "Từ lúc tuyến buýt khai trương, tôi cũng muốn thỉnh thoảng đưa con cái, bạn bè sử dụng phương tiện này để cảm nhận vẻ đẹp của Hà Nội nhưng giá vé quá cao nên đành ngậm ngùi bỏ qua".
Theo tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT), việc Hà Nội triển khai dịch vụ xe buýt 2 tầng vào phát triển du lịch là một điểm mới. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lý do mà dự án này chưa mang lại hiệu quả so với kỳ vọng, trong đó có thể do giá vé quá cao so với các loại phương tiện khác nên rất khó để thu hút du khách.
Cố đấm ăn xôi (?)
Theo dự kiến, Sở GTVT phối hợp với Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cần thiết về phương tiện, con người… để triển khai tuyến buýt 2 tầng mui trần City Tour 02 trên địa bàn Hà Nội. Các đơn vị thống nhất khai trương tuyến City Tour 02 vào dịp giải phóng thủ đô ngày 10-10 nhưng đến ngày 31-10, đại diện Sở GTVT cho biết vẫn chưa đưa vào hoạt động tuyến City Tour 02 và đang trong quá trình phối hợp nghiên cứu.
Lãnh đạo Xí nghiệp Xe buýt Yên Viên (thuộc Transerco), đơn vị trực tiếp vận hành tuyến City Tour 01, nhận định: "Tuyến City Tour 01 trong thời gian tới vẫn vận hành như cũ, sẽ không tăng hoặc giảm giá vé. Hiện nay, tuyến City Tour 01 sau 5 tháng hoạt động mà chỉ có số lượt khách khiêm tốn như vậy thì nếu đưa một tuyến khác vào hoạt động nữa, số lượng khách sẽ giảm đi một nửa vì 2 tuyến buýt này trùng gần 2/3 các địa điểm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đưa ra con số về "cung - cầu" lên các cấp lãnh đạo nhưng không được chú ý. Rõ ràng "cung" đang thừa mà vẫn tiếp tục cho triển khai thì sẽ rất khó hoạt động".
Nêu quan điểm về sự kém hiệu quả của tuyến buýt 2 tầng, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, nhận định: "Với tuyến buýt 2 tầng của Hà Nội, hiện dư luận đang phản ứng và có những sự không đồng nhất vì kém hiệu quả. Cần phải làm rõ việc vì sao Hà Nội lại "cố đấm ăn xôi" như vậy? Liên hệ với tuyến BRT của Hà Nội, nếu thí điểm một dự án nhận kết quả thất bại thì không nên triển khai tiếp. Xe buýt 2 tầng cũng vậy, nếu tuyến thứ nhất đã không hiệu quả thì không nên triển khai tuyến tiếp theo. Sắp tới, tuyến đường sắt trên cao cũng sẽ đi vào hoạt động nên việc tính toán đồng bộ lại giá vé cho các phương tiện giao thông công cộng Hà Nội cũng phải nghiên cứu kỹ".