GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh như trên khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống xung quanh thông tin Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.500 km được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đưa ra trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin Tín hiệu Đường sắt Trung Quốc (CRSC), chiều 25/6, tại Trung Quốc.
|
Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam rất cần thiết
|
Rất cần thiết xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Xin ông cho biết sự cần thiết triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500km?
Cuộc sống đang đòi hỏi và không thể chậm trễ hơn, đã đến lúc có điều kiện để phát triển đường sắt. Trước đây, chúng ta ưu tiên phát triển đường bộ và hiện nay năng lực đường bộ cơ bản đáp ứng nhu cầu đặt ra. Bây giờ là thời cơ “lật cánh” phát triển đường sắt. Làm giao thông phải nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư đường sắt tốc độ cao không thể chậm hơn nữa.
Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt sửa đổi, trong đó Điều 5 nói về chính sách phát triển đường sắt đã khẳng định: “Ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển đường sắt... và phải làm cho đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước”. Điều này nói lên quyết tâm của Đảng, Nhà nước.
Tôi cho rằng, lựa chọn đường sắt tốc độ cao cho phát triển loại hình giao thông mới trên trục Bắc - Nam trong tương lai là hoàn toàn phù hợp và thực sự cần thiết. Xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại tác động to lớn đối với chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Thứ nhất, nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam đòi hỏi năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông vận tải luôn phải được tăng cường. Đường sắt tốc độ cao với các tính năng ưu việt vượt trội như năng lực vận tải lớn, an toàn tin cậy, tiện nghi, thân thiện với môi trường sẽ đáp ứng một cách bền vững nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.
Thứ hai, giải tỏa áp lực cho các phương thức vận tải khác, đặc biệt là vận tải đường bộ và hàng không. Hiện nay, vận tải đang bị mất cân đối nghiêm trọng giữa những phương thức vận tải gây nên tình trạng mất an toàn, ô nhiễm môi trường, chi phí vận tải và logistics cao.
Thứ ba, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đường sắt tốc độ cao sẽ giúp cho hai đầu đất nước kéo lại gần nhau hơn trong tư duy phát triển kinh tế, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Ngoài ra, phát triển đột phá hạ tầng giao thông, tạo động lực cũng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế.
Thứ tư, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động. Đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, cũng như quá trình đô thị hóa tại các đô thị trên trục Bắc - Nam.
Thứ năm, đường sắt tốc độ cao hoàn toàn phù hợp các chiến lược quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung, đường sắt nói riêng.
Mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ mở ra những cơ hội nào, thưa ông?
Hiện, các đơn vị tư vấn của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và liên danh trong nước nghiên cứu khả thi, đề xuất những phương án cụ thể, trong đó có phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách địa phương. Đồng thời, xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế 350 km/h) chuyên chở hành khách. Sau một thập kỷ “lỡ hẹn”, đáng mừng là chủ trương đầu tư tiếp tục được nghiên cứu để trình Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét, cho chủ trương đầu tư.
Để xây dựng đường sắt hiện đại trên trục Bắc - Nam cần nguồn vốn rất lớn nên Quốc hội, người dân đòi hỏi nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng kịch bản đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, chủ trương này cần thời gian xây dựng hàng chục năm hoặc nhiều hơn. Thế nên, điều quan trọng trước mắt là cần được thông qua chủ trương đầu tư.
|
GS.TS Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam |
Đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là chủ trương cho tương lai nhưng cũng là phương án cho hệ thống hơn 1.500 km đường sắt Bắc - Nam hiện tại vốn hơn 100 năm “tuổi đời”, đã xuống cấp, lạc hậu và thường tê liệt trong mùa mưa bão. Đây là tuyến đường sắt quan trọng nhất của đất nước, nhưng khổ đường chỉ là đơn 1.000 mm, hệ thống kỹ thuật liên quan chắp vá, không đồng bộ nên rất khó cải thiện tốc độ, sự êm thuận khi vận hành.
Trong số hơn 1.400 chiếc cầu, hầm trên tuyến, khá nhiều cầu đã cũ nên không đáp ứng được sự đồng nhất về vận tốc chạy tàu, khả năng chịu tải. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại còn ngày ngày đối mặt nguy cơ mất an toàn giao thông do hơn 3.000 đường ngang, lối đi dân sinh chạy qua.
Sự lạc hậu, cũ kỹ của hệ thống hơn 100 tuổi khiến đường sắt Bắc - Nam không cạnh tranh được với hàng không, đường bộ. Nếu không có tuyến đường sắt hiện đại thay thế cho đường sắt hiện nay, Đường sắt Việt Nam sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh và phát triển. Hơn thế, nó khiến mất đi những giá trị vô hình ngoài vận tải mà tuyến vận tải đường sắt xương sống của đất nước có thể mang lại.
Các nước phát triển đường sắt cao tốc thế nào?
Cùng Trung Quốc, các nước Nhật Bản, Đức, Pháp, Tây Ban Nha... có mạng lưới đường sắt cao tốc rộng khắp với những đoàn tàu có thể đạt tốc độ trên 300 km/h. Kể từ thập niên 1980, hàng trăm tỷ USD được đầu tư vào các tuyến đường sắt cao tốc mới trên khắp châu Âu và châu Á, tiên phong là tàu Shinkansen của Nhật Bản và Train a Grand Vitesse (TGV) của Pháp.
Những nơi khác như Hàn Quốc, Saudi Arabia cũng xây các tuyến đường sắt cao tốc. Ấn Độ, Thái Lan, Nga và Mỹ nằm trong nhóm những nước cam kết xây dựng các tuyến đường sắt mới. Tàu sẽ chạy giữa những thành phố lớn với tốc độ hơn 250km/h.
Hợp tác với Trung Quốc phát triển các dự án đường sắt cũng là một lựa chọn
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói rằng, để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam,Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại buổi làm việc với ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thông tin Tín hiệu Đường sắt Trung Quốc (CRSC), Trung Quốc có thế mạnh về phát triển đường sắt kết nối cả nước và đường sắt đô thị.
Việt Nam mong muốn trao đổi, hợp tác để Trung Quốc hỗ trợ trong thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội, tuyến Đông Hưng đi Móng Cái, về Hải Phòng. Đây là 3 tuyến đường sắt dài hơn 700 km, có vai trò đặc biệt quan trọng.
Đồng thời, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, khi đề cập việc phát triển xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chiều dài hơn 1.500 km, cũng mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Trung Quốc về xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, đầu máy toa xe và tín hiệu. Đây là 3 cấu phần quan trọng nhất của các tuyến đường sắt, kể cả đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị.
Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đang chỉ đạo thực hiện 3 dự án đường sắt kết nối hai nước là chuyện rất rõ ràng. 3 tuyến đường sắt này sẽ giúp lưu thông, vận chuyển và phát triển du lịch…
Đối với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhiều quốc gia muốn tham gia. Trung Quốc có công nghệ tốt về phát triển đường sắt, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, khi lựa chọn doanh nghiệp nước nào tham gia thực hiện dự án, chúng ta cũng cần phải xem xét nhiều vấn đề như mối quan hệ giữa hai quốc gia, chủ trương về chính trị, kinh tế, xã hội. Bởi lẽ, đây không chỉ là vấn đề về công nghệ.
Hiện, việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mới là chủ trương. Khi được Quốc hội thông qua, Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ khác phải xem xét cụ thể về năng lực của các doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là vấn đề cần cân nhắc trên nhiều yếu tố khi triển khai dự án.
Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Công nghệ giúp Trung Quốc đứng đầu về đường sắt cao tốc
Trung Quốc là quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, trải dài 40.000 km, tiếp cận hầu hết mọi nơi trên cả nước. Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động năm 2008 giữa Bắc Kinh - Thiên Tân. Từ đó, nước này mở rộng mạng lưới trải dài hàng chục nghìn km. Đến năm 2020, khoảng 75% số thành phố có dân số từ 500.000 người trở lên của Trung Quốc đã có đường sắt cao tốc.
Từ nhu cầu di chuyển rất lớn của người dân, Trung Quốc là nước đầu tư mạnh vào công nghệ và cơ sở hạ tầng tàu cao tốc. Năm 2015, nước này chi 125 tỷ USD cho xây dựng đường sắt. Tháng 11/2018, Chính phủ Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD, một phần lớn trong đó dành cho đường sắt cao tốc.
Bên cạnh đó, nước này có thế mạnh ở khả năng xây dựng với chi phí rẻ và tốc độ nhanh, ứng dụng nhiều loại máy móc và robot hiện đại khi xây dựng đường sắt cao tốc.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đường sắt trên sa mạc đầu tiên trên thế giới được xây dựng sao?