Đặt mục tiêu vận hành đường sắt tốc độ cao vào 2045

Google News

Ngày 31/10, Chính phủ ban hành chương trình hành động về định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045.

Dat muc tieu van hanh duong sat toc do cao vao 2045
Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt xây dựng mới, đường sắt đô thị cũng được triển khai. Các tuyến đường sắt đã có được nâng cấp, cải tạo.
Việt Nam sẽ khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Một nửa chiều dài đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM được khai thác. Một số đường sắt đô thị tại các TP từ 1 triệu dân cũng được xây dựng.
Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các tuyến khu đầu mối TP HCM và Hà Nội được hoàn thành. Mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 đô thị lớn nhất cả nước cũng hoàn thành.
Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ ưu tiên nguồn vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Các thành phần kinh tế được kêu gọi tham gia kinh doanh đường sắt và dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3/2023 đặt mục tiêu đến 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước 2045.
Hiện có 2 phương án đường sắt tốc độ cao. Bộ GTVT tháng 2/2019 trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h.
Cuối năm 2022, tư vấn thẩm tra dự án đã nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ 350km/h và kiến nghị phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225km/h cho tàu khách, 160km/h cho tàu hàng, vốn đầu tư hơn 61 tỷ USD. Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu thêm phương án này.
Văn phòng Chính phủ ngày 18/10 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục xương sống.
Theo Trịnh Ninh/Pháp luật VN

>> xem thêm

Bình luận(0)