Nhiều chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục đã cùng chia sẻ quan điểm của mình tại Toạ đàm Chống xâm hại tình dục trẻ em do Đại học Văn Hiến và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức tại TP.HCM sáng 16/3.
Trẻ bị người thân xâm hại càng đơn độc
PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến (Đại học Văn Hiến) cho rằng những nguyên nhân về văn hoá xã hội coi đó là vấn đề nhạy cảm và sự sợ hãi bị kỳ thị khiến người bị hại không dám lên tiếng.
"Văn hoá chúng ta tránh nói chuyện sinh lý, tình dục, sức khoẻ sinh sản, xâm hại tình dục. Coi nó như là vấn đề tế nhị, vấn đề của người lớn chứ không phải trẻ em”, bà Xuyến nói.
Theo PGS Xuyến, sự tổn hại tinh thần sau khi bị xâm hại có thể dẫn đến sự lệch lạc về hành vi của các em sau này. “Nó còn âm ỉ mãi trong tâm tưởng và làm các em mất đi niềm tin”, bà Xuyến chia sẻ.
PGS Xuyến cũng chỉ ra theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, 90% lời khai của trẻ em về các vụ xâm hại được xác định là sự thật. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các cơ quan chức năng hoặc vô tình hoặc cố ý không tin lời nói của các em.
“Họ thậm chí nghi ngờ lời nói của phụ huynh, để họ đơn độc trong hành trình đi tìm công lý của mình. Phần lớn trẻ em giữ kín trong vòng một năm đầu. Gần 50% các em im lặng trong vòng 5 năm. Một số em không bao giờ tiết lộ sự thật này”, PGS Xuyến cho biết.
|
Luật sư Bích Liên (giữa) đề xuất tăng chế tài xử phạt tội phạm xâm hại trẻ em. Ảnh: H.H. |
Luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết những đứa trẻ bị xâm hại bởi người thân trong gia đình càng trở nên đơn độc. Trong những trường hợp mà luật sư Liên tiếp xúc, người mẹ có xu hướng im lặng. Thậm chí, khi đứa trẻ tìm đến sự trợ giúp bên ngoài thì người mẹ cũng phản ứng rất tiêu cực với người giúp đỡ.
Luật sư Liên cũng chỉ ra những thiếu sót khiến các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em thường rơi vào ngõ cụt. “Cha mẹ không biết cách giữ lại chứng cứ. Cơ quan công an chỉ hỏi chứng cứ đâu khi tiếp nhận vụ án khiến chúng tôi rất bất bình”.
“Do vậy, chúng tôi kiến nghị nên có chế tài mạnh hơn đối với loại tội phạm này. Hơn nữa, phải có quy định đặc biệt là không cần sự tố cáo của người mẹ mà khi nhận được các tố cáo từ người xung quanh cũng phải khởi tố vụ án ngay”, luật sư Liên đề xuất.
Đừng đẩy con đến sự sợ hãi
TS tâm lý Phạm Thị Thuý (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho rằng đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, việc phải làm ngay và luôn là hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân và gia đình.
“Chúng ta nói nhiều đến tội ác, đến việc đưa kẻ xâm hại ra trừng trị. Phụ huynh thì chìm trong nỗi đau sự căm giận lớn quá. Họ vội vàng tra hỏi con kẻ hiếp dâm là ai, bắt con mô tả chi tiết về hành vi kẻ đó. Các phương tiện báo chí thì nói quá nhiều, kể chi tiết. Vô tình chúng ta đang khoét sâu hơn vào nỗi đau của trẻ. Chúng tôi gọi đó là hiếp dâm lần thứ 2”, TS Thuý nói.
Một mặt trái mà TS Thuý cảnh báo là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em khiến phụ huynh bất an nhiều quá. Từ đó, họ gieo vào đầu con cái những lo lắng không đáng có, khiến con nghi ngờ các mối quan hệ xung quanh.
“Xin đừng để phụ huynh đẩy con đến mức độ sợ hãi. Nhiều người cho con xem các bộ phim về xâm hại trẻ em, đưa con đọc các bài báo về vụ này. Tôi nghĩ có hơi thái quá hay không. Sự yên ổn trong tâm lý của trẻ cũng rất quan trọng”, bà Thuý chia sẻ.
Cùng quan điểm, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Bệnh viện Nhi đồng) cho rằng cả cha mẹ và trẻ em cần được điều trị sang chấn tâm lý. “Vì khi họ cứ uất hận, phẫn nộ hay sợ hãi, họ không thể làm chỗ dựa cho con được”.
TS Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen) chia sẻ câu chuyện về sinh viên của mình từng bị xâm hại. Cả nhà trường vào cuộc, cùng với luật sư từng phẫn nộ truy đến cùng sự việc. Tuy nhiên, cuối cùng các giáo viên và nhà trường quyết định khép lại câu chuyện để bảo vệ danh dự và tương lai của sinh viên mình.
Bà Phượng chia sẻ: “Nạn nhân trước hết cũng là một con người có cuộc sống quá khứ. Nhưng họ cũng có tương lai trước mặt nữa. Trước hết phải bảo vệ nạn nhân. Kể cả những người hỗ trợ cũng phải cân nhắc rằng những hành động của họ có thể gây tổn thương nhiều hơn đến nạn nhân”.