Tại phiên họp sáng 29/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).Theo đó, Dự thảo Luật tố cáo bao gồm 9 chương với 64 điều.
|
Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn |
Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tố cáo năm 2011
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tố cáo năm 2011 được bộc lộ qua hơn 4 năm triển khai thực hiện.
Những hạn chế, bất cập của Luật tố cáo năm 2011 được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ như nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết trong nhiều trường hợp còn gặp vướng mắc nhất định như: khi người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo cơ quan, tổ chức…
Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật tố cáo chưa quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo còn thiếu chặt chẽ hoặc chưa cụ thể trong việc xử lý đối với một số tình huống: việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; quy định về việc rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ giải quyết tố cáo; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo …
Thứ tư, về tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp: Tại điểm b, điểm c, khoản 2 Điều 27 Luật tố cáo quy định:“Trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cấp dưới trực tiếp là đúng pháp luật thì không giải quyết lại, đồng thời thông báo cho người tố cáo về việc không giải quyết lại và yêu cầu họ chấm dứt việc tố cáo; trường hợp việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp là không đúng pháp luật thì tiến hành giải quyết lại”. Tuy nhiên trên thực tế rất khó để xác định được việc giải quyết thế nào đúng hay không đúng pháp luật.
Thứ năm, về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý về tố cáo: Luật hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này, do vậy trên thực tế đã diễn ra tình trạng có nhiều kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có hiệu lực pháp luật nhưng không được thực hiện. Thứ sáu, về bảo vệ người tố cáo: Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Thứ bảy, về vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người có hành vi vi phạm: việc xử lý theo quy định tại Điều 46, 47 và Điều 48 Luật tố cáo hiện hành còn gặp nhiều khó khăn trên thực tế vì chưa quy định rõ ràng về hành vi, thiếu các chế tài cụ thể xử lý trách nhiệm đối với những người có trách nhiệm cũng như công dân khi có những hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, việc xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người và xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong quá trình soạn thảo, còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Cụ thể về hình thức tố cáo hiên có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Đối với tố cáo hành chính căn cứ vào tình chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tố cáo nên dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật tố cáo năm 2011): tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
”Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên đã thể hiện nội dung này vào dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.
Về tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.
“Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo. Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.
“Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên đã thể hiện nội dung này vào dự thảo Luật”,Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay.