UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh trước những biến tướng nguy hại của hoạt động này. Trước đó, năm 2018, TP.HCM cũng đã từng kiến nghi về vấn đề này.
UBND TP.HCM cho hay, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc có dấu hiệu băng nhóm tội phạm câu kết gây ảnh hưởng xã hội. Công ty đòi nợ thuê sử dụng những đối tượng là tiền án tiền sự, băng nhóm tội phạm để đòi nợ, thậm chí dùng cả vũ lực đe dọa trấn áp con nợ…. gây bất ổn xã hội. Công an TP HCM cũng cho biết, 99% công ty đòi nợ thuê cấu kết băng nhóm xã hội đen.
Trao đổi với PV Kiến Thức về kiến nghị trên của UBND TP HCM, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tư duy không quản lý được thì cấm không phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay.
|
Ảnh minh họa. |
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, trong các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự thì chuyện nợ nần là chuyện không thể tránh khỏi. Nợ nần là hệ quả tất yếu của các quan hệ kinh tế, dân sự (liên quan đến tài sản) bị đổ vỡ, có tranh chấp... Chậm thu hồi nợ có thể khiến gia đình tan vỡ hạnh phúc, doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn thậm chí phá sản. Trong khi đó việc thu hồi nợ không hề đơn giản khi cá nhân, doanh nghiệp không có kiến thức, kỹ năng, trình độ và thời gian để thực hiện việc thu hồi nợ...
Trong quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự làm phát sinh các khoản nợ là tất yếu dù người ta có mong muốn hay không bởi vậy việc đòi nợ cũng là tất yếu.
Thông thường việc đòi nợ sẽ theo quy trình: Chủ nợ trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến gặp con nợ để đòi (nợ có thể phát sinh từ hợp đồng, từ quan hệ vay mượn hoặc phát sinh từ nghĩa vụ dân sự khác). Nếu tự mình không đòi được thì chủ nợ có thể khởi kiện đến tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, trong một số trường hợp có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì gửi đơn thư tới cơ quan công an.
Tuy nhiên, thủ tục tố tụng để khởi kiện đòi nợ rất phức tạp, kéo dài. Một vụ án khởi kiện đòi nợ thực tiễn ở Việt Nam hiện nay mất cả năm, thậm chí nhiều vụ vài năm chưa xong. Khi kiện xong đối tượng nợ tài sản vẫn cố tình không trả thì chủ nợ lại phải đề nghị cơ quan thi hành án vào cuộc xác minh, truy tìm tài sản để xử lý, đến khi đó thì con nợ đã tẩu tán hết tài sản, hoặc không còn tài sản nữa thì việc đòi nợ trở nên vô nghĩa. Quá trình đòi nợ kéo dài khiến chủ nợ lâm vào tình trạng khó khăn, kiệt quệ, phá sản...
Bởi vậy, trong quan hệ kinh tế, dân sự đòi hỏi phải có bên thứ ba, chuyên nghiệp để thu hồi nợ, đảm bảo tính hiệu quả cũng như giảm thiểu thấp nhất những rủi ro trong các quan hệ kinh tế, dân sự đó là dịch vụ thu hồi nợ. Dịch vụ thu hồi nợ là nhu cầu lớn của cá nhân, doanh nghiệp đối với các khoản nợ khó đòi .
Khi thị trường có biến động, khủng hoảng kinh tế thì việc chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp, chậm trả nợ của các cá nhân diễn ra rất phổ biến khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí có thể phá sản chỉ vì chậm thu hồi nợ... Bởi vậy, nếu có cấm dịch vụ đòi nợ thì vẫn có nhiều cá nhân doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đòi nợ trái pháp luật, hoạt động đòi nợ theo kiểu thế giới ngầm càng khó kiểm soát.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều quy định về dịch vụ thu hồi nợ, mua bán nợ để khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy các quan hệ kinh tế, dân sự phát triển lành mạnh, tháo gỡ các khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, quản lý, kiểm soát các dịch vụ này như thế nào để tránh việc lợi dụng hoạt động mua bán nợ, thu hồi nợ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo việc thu hồi nợ nhanh chóng, hiệu quả, phát huy các giá trị tích cực của dịch vụ này mới là vấn đề mà các quốc gia phải quan tâm trong việc quản lý kinh tế và xã hội.
Ở Việt Nam, dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước theo quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP 14/6/ 2017 của Chính phủ. Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định rất chặt chẽ từ vốn hoạt động, trình độ bằng cấp chuyên môn của người đứng đầu cơ sở và những nhân viên thu hồi nợ, đạo đức, lý lịch... của những người này. Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ cũng được quy định rất cụ thể.
Nghị định cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, những hành vi vi phạm có tính đặc thù trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, pháp luật nghiêm cấm việc thu hồi nợ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác xâm phạm đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, trong trường hợp hành vi đòi nợ trái pháp luật gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây rối trật tự công cộng (gây ách tắc giao thông, gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội...) thì hành vi này được xác đình là gây rối trật tự công cộng. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi đòi nợ trái pháp luật trong trường hợp này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm về tội gây rối trật tự công cộng.
Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực để đòi nợ, nghiêm cấm việc đe dọa, uy hiếp người khác để đòi nợ. Bởi vậy, trong trường hợp, hành vi đòi nợ trái pháp luật trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác thì hành vi này có thể bị xử lý về tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp tài sản, tội làm nhục người khác... tùy thuộc vào hành vi cụ thể trong các tình huống cụ thể...
Như vậy có thể nói rằng pháp luật Việt Nam đã có những quy định rất chặt chẽ trong việc kinh doanh, điều kiện kinh doanh, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và có đầy đủ các chế tài hành chính và chế tài hình sự để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong dịch vụ đòi nợ.
Tuy nhiên, thời gian những năm gần đây dịch vụ này không được kiểm soát chặt chẽ, không được quản lý chặt chẽ ở nhiều địa phương dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm, biến tướng gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trước tình hình này thì Dự thảo luật đầu tư đã đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh chứ không còn kinh doanh có điều kiện như trước đây.
“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng tư duy không quản lý được thì cấm không phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay. Việc phát sinh các khoản nợ trong quan hệ dân sự, kinh tế là tất yếu, nhu cầu đòi nợ, nhu cầu cung cấp dịch vụ đòi nợ là tất yếu bất kể pháp luật, nhà nước có cho phép hay không thì dịch vụ này cũng sẽ diễn ra. Bởi vậy thay vì việc cấm dịch vụ đòi nợ thì chúng ta nên tiếp tục duy trì dịch vụ kinh doanh có điều kiện này và tăng cường công tác quản lý sao cho việc thu hồi nợ đạt hiệu quả, xử lý nghiêm minh triệt để các trường hợp biến tướng, đòi nợ trái pháp luật, bảo kê, dung túng cho hoạt động đòi nợ…”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, cần phải có khảo sát, đánh giá về hiệu quả trong công tác quản lý dịch vụ đòi nợ, nghiên cứu làm rõ những tồn tại yếu kém trong việc quản lý lĩnh vực này để đưa ra các giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý chứ không nên áp đặt tư duy “không quản được thì cấm”.
Nhu cầu đòi nợ trong quan hệ dân sự, kinh tế là rất lớn, việc đòi nợ sao cho hiệu quả, có sự quản lý của nhà nước là vấn đề mà người dân và doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu cấm dịch vụ đòi nợ sẽ khiến cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp càng trở nên khó khăn. Cho dù có cấm thì các hoạt động đòi nợ vẫn cứ diễn ra và diễn biến phức tạp, càng khó quản lý.
Bởi vậy, tăng cường các biện pháp quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý trong việc cũng đòi nợ là vấn đề phải đặt ra chứ không phải là lệnh cấm, bởi lệnh cấm không giải quyết được tận gốc vấn đề này.