Tranh luận nóng “điều tra SGK”
Tại phiên thảo luận, dại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đã trao đổi lại một số ý kiến tranh luận của đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) về vấn đề sai sót trong việc biên soạn một số bộ SGK lớp 1.
Đại biểu Thảo nhấn mạnh, 2/3 nội dung trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận kinh tế- xã hội chiều 3/11 tập trung đề xuất giải pháp để ngành Ggiáo dục được tốt hơn. “Tức là tôi đã phát biểu với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề để phát biểu mang tính chất xây dựng”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói.
“SGK lớp 1 với các vấn đề liên quan, cử tri bức xúc phản ánh với Đoàn ĐBQH, chúng ta cần phải làm tròn trách nhiệm với nhân dân và tôi đã phát biểu từ sự phản ánh trung thực, kiến nghị của cử tri địa phương, không phải của riêng cá nhân" – bà Thảo nói.
|
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo. |
Về tranh luận của đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, sai sót trong một số bộ SGK lớp 1 mà đại biểu nêu không phải sai sót đến mức phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hóa việc sai sót này, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, phải hết sức cẩn trọng nếu không sẽ gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, cử tri. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo làm rõ, thực chất kiến nghị của đại biểu là cần đẩy nhanh tiến độ điều tra để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để bảo đảm công bằng về quyền tác giả, quyền xuất bản của từng bộ sách.
Về đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho biết, "cử tri tỉnh này có thể không phản ánh như vậy nhưng ở nơi khác bức xúc và đề xuất. Đó là vấn đề góc nhìn của mỗi cá nhân, cử tri và đại biểu, điều tra để xác minh sai phạm mà điều tra cũng có thể trả lại sự trong sạch cho cá nhân và tổ chức".
Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 3/11, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo cho rằng cần phải xem lại bất cập nổi lên trong sử dụng SGK lớp 1, điển hình là một số bộ sách có ngôn ngữ thiếu trong sáng, thiếu logic gây dư luận không tốt. Đồng thời đề xuất làm rõ sai sót và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai, và đề nghị tạm dừng lưu thành các bộ SGK lớp 1 trên thị trường để thẩm định. Đồng thời, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) khi tranh luận cho rằng, đại biểu Thảo cần cân nhắc ý kiến phát biểu của mình trước Quốc hội khi đã trầm trọng hóa vấn đề. Ông Phương cho rằng, một số thiếu sót ở SGK Tiếng việt lớp 1 bộ Cánh Diều thể hiện ở chỗ một số ngữ liệu phục vụ cho học âm, bài đọc của học sinh là chưa thật phù hợp chứ không phải sai sót đến mức nghiêm trọng và cũng không phải sai sót đến mức phải chuyển cơ quan điều tra hoặc là hình sự hóa việc sai sót này.
|
Đại biểu Bùi Văn Phương. |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tranh luận với tâm thế của người từng làm trong ngành giáo dục. Theo ông, đây là lần đầu tiên thực hiện đổi mới nên không tránh khỏi những sai sót. “Góp ý là tốt, nhưng đừng đẩy vấn đề đến mức độ khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục”, ông Phương nói.
Lỗi quy trình và đùn đẩy trách nhiệm
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) khi đề cập đến vấn đề dư luận đang bức xúc về bộ SGK lớp 1 nói rằng, là năm đầu tiên áp dụng một chương trình làm bộ sách theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta đã học tập, tham khảo nhiều nước và cắt mỗi bên một ít để cho vào chương trình giáo dục đổi mới. Vì vậy, SGK khi biên soạn cũng bị "gọt đẽo" theo một hệ thống chưa hoàn thiện.
“Muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu. Mà lỗi trong SGK chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp” - đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Hiền chỉ rõ, đây là “lỗi quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài khi xảy ra sự cố thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử”.
Giá trị SGK khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, “đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt mà rất cần truyền dạy một cách thấu hiểu tận tâm với đứa trẻ vừa bước qua mầm non”.
Đồng thời, mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho việc sử dụng những bộ SGK có chất lượng thấp, còn thiếu thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề SGK
Phát biểu về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này. Ông khẳng định SGK có lỗi, có sạn, và lỗi này phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học.
“Sơ bộ đúng như các đại biểu Quốc hội nói, sai đến đâu, đến mức nào thì phải có cơ quan chuyên môn, vì các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không hề có kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1. Nhưng qua những lần làm việc có thể thấy sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, đã được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, có sai sót”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Những việc liên quan đến chuyên môn về dạy ngôn ngữ cho trẻ mới đi học người bình thường không hiểu thì phải trao đi đổi lại một cách cởi mở và cầu thị.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT theo đúng tinh thần như vậy. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận rõ có sai sót và trách nhiệm thuộc về Bộ, trong đó theo luật là thuộc về Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo khá cương quyết như đã thay Chủ tịch Hội đồng Thẩm định.
“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT phải hết sức lưu ý vì những sai sót có thể tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc và nghiêm khắc, để quy trình biên soạn, thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 năm nay và những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, dù có một bộ SGK hay nhiều bộ SGK thì chất lượng ít nhất bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Bộ không thể hoàn thành được nếu không có sự đóng góp ý kiến của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục và toàn thể nhân dân.
Bộ GD&ĐT cần tận dụng công nghệ thông tin công khai các bản thảo SGK trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định, để mọi người dân, trong đó có rất nhiều giáo viên, người có kinh nghiệm dạy trẻ, góp ý và qua đó chắt lọc, tiếp thu những ý kiến đúng, giải thích lại những ý kiến chưa đúng để toàn xã hội đồng thuận. Tất cả đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ GD-ĐT đề nghị thẩm định lại SGK Tiếng Việt 1