Sáng 2/9, thời tiết khu vực Biển Đông có diễn biến mới khi xuất hiện thêm 1 áp thấp nhiệt đới hình thành giữa Biển Đông. Như vậy, khu vực này hiện có 2 áp thấp nhiệt đới cùng hoạt động, với một cơn gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết việc xuất hiện 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc trên Biển Đông không phải quá hiếm gặp, nhất là trong cao điểm mùa mưa bão.
"Các vùng gió thuận nhiệt đới hoạt động nhiều trên Biển Đông thời kỳ này nên việc xuất hiện 2-3 cơn áp thấp nhiệt đới cùng lúc không phải hiện tượng bất thường", ông Năng cho biết.
Theo ông, sự tương tác của 2 áp thấp nhiệt đới này thể hiện qua cơ chế cơn nào mạnh hơn sẽ chi phối hoạt động của cơn còn lại. Do đó, việc xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới mới chưa chắc ảnh hưởng xấu đến thời tiết khu vực biển và đất liền.
|
Ông Trần Quang Năng cho biết 2 áp thấp nhiệt đới sẽ tương tác với nhau theo cơ chế cơn mạnh hơn sẽ chi phối hoạt động của cơn còn lại. Ảnh: NCHMF. |
Trong khi đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng sẽ mạnh lên thành bão số 5 trong 24 giờ tới với quỹ đạo khá đặc biệt do nhiều yếu tố tác động.
"Tối 2/9, bão số 5 có thể đi vào vùng biển ngoài khơi khu vực Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Sau đó, bão di chuyển chậm lại, đổi hướng và đi ngược ra ngoài theo hướng đông bắc", ông Lâm nhận định.
Do thời gian hoạt động trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ khá lâu nên bão có thể gây ra gió mạnh và sóng lớn kéo dài trên biển, đặc biệt là khu vực vùng ven bờ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 5 sẽ di chuyển chậm lại và ảnh hưởng trực tiếp, gây gió mạnh cho khu vực vịnh, mưa lớn cho đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Tổng vũ lượng được dự báo tại các địa phương lên đến 300-500 mm/đợt.
Trọng tâm mưa lớn là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế với lượng mưa có thể lên tới trên 500 mm cả đợt. Theo đó, 2 đợt mưa liên tiếp cho khu vực Trung Bộ sẽ gây áp lực không hề nhỏ cho hệ thống hồ chứa và thoát nước nước ở Trung Bộ.
Đặc biệt với các hồ chứa thủy lợi, ảnh hưởng của mưa cường độ lớn sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn.
Cùng lúc, gió mùa tây nam đang hoạt động với cường độ mạnh dần lên, gây mưa rào và dông trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam Biển Đông. Các khu vực này hiện có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Sóng biển cao 2-3 m.
Chuyên gia khí tượng đề nghị người dân thường xuyên cập nhật các thông tin thời tiết bởi diễn biến có thể thay đổi liên tục trong những ngày tới.