Từ đêm ngày 4 đến sáng 5/7, gia đình ông Nguyễn Kim Tảng (51 tuổi, ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hài, Bạc Liêu) vui như Tết.
Nhiều người thức trắng đêm để hỏi thăm chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi, em ruột ông Tảng) và ăn uống, kể chuyện từ khi chị còn ở quê nhà cho đến lúc mất tích và được tìm thấy sau 22 năm bị bán sang Trung Quốc.
Cuộc trùng phùng đầy nước mắt
Ông Nguyễn Văn Hoàng là hàng xóm của ông Tảng nói rằng cuộc trùng phùng của chị Hon với gia đình như một giấc mơ.
Không chỉ cụ Nguyễn Kim Hến (83 tuổi, mẹ chị Hon) mà các anh, chị và hàng xóm của chị Hon tưởng rằng người phụ nữ này đã chết.
Vì sự mất tích của con gái mà cha của chị Hon qua đời và gia đình lấy ngày mất của ông cụ để làm ngày giỗ cho chị Hon.
|
Chị Hon được người thân vào tận phòng để hỏi thăm. |
Sau hàng chục năm "cúng cơm" cho con gái, vài ngày trước cụ Hến nhận được tin con còn sống. Hình ảnh về người phụ nữ lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc được bà Ngô Thanh Thủy (chủ Facebook Hoàng Quốc Tuấn) chia sẻ lên mạng xã hội. Anh trai của chị Hon sau khi xem đã nhận ra ngay em gái và báo tin cho mẹ già.
Trước khi lên đường đi Lạng Sơn đón em gái, ông Tảng làm giấy tờ để UBND xã Long Điền Đông xác nhận quan hệ huyết thống mẹ - con giữa cụ Hến và chị Hon. Do gia đình khó khăn nên nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ chi phí cho ông Tảng đi Lạng Sơn.
>>> Xem video: Cô gái Bạc Liêu hội ngộ gia đình sau 22 năm lưu lạc ở Trung Quốc
Rạng sáng 4/7, chị Hon cùng ông Tảng đáp chuyến bay từ Hà Nội về Cần Thơ. Ôtô 4 chỗ sau đó đón chị Hon về Bạc Liêu và ghé nhà người thân thay quần áo, rồi đi ăn sáng. Sau khi viếng Phật ở khu du lịch tâm linh tại phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu), chị Hon lên xe về lại quê nhà.
Ôtô ghé vào đầu con đường vào nhà ông Tảng khoảng 11h cùng ngày. Chị Hon bước xuống xe thì ôm mặt khóc như đứa trẻ khi thấy người chị ruột ra đón. Chị ruột chị Hỏn đã cho em gái bịt khẩu trang kín mặt và trùm đầu, rồi lên xe máy do công an xã bố trí để về nhà ông Tảng an toàn.
Khi về đến nhà ông Tảng thì cũng là lúc người dân kéo lại hơn nghìn người nên chị Hon đi thẳng vào trong phòng. Trước sân là rạp đãi tiệc với 6 bộ bàn ghế được đặt sẵn để đãi cơm mọi người đến thăm chị Hon. Đây cũng là nơi ông Tảng mở tiệc ăn mừng.
Thấy con gái, người mẹ già lao vào ôm rồi khóc ngất. Chị Hon với những người xung quanh cũng khóc theo rồi mọi người cùng dìu nhau vào trong.
|
Lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Hải đến tặng quà cho chị Hon. |
Cấp lại giấy khai sinh
Cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội của UBND xã Long Điền Đông là anh Bùi Quốc Lĩnh cho biết do nhà mẹ ruột chị Hon siêu vẹo, không có nơi tiếp khách. Vì vậy, gia đình chọn nhà ông Tảng.
Do sức khỏe chị Hon không tốt sau chuyến bay dài và ngồi xe đường xa nên gia đình không cho chị này với mọi người đến thăm trong lúc mới về nhà. Mãi đến gần 14h cùng ngày, chị Hon mới ra ngoài trò chuyện với báo chí và những người đến thăm nhưng chỉ nói được vài câu tiếng Việt, còn lại đều là tiếng Trung Quốc.
Theo chị Hon, lúc 20 tuổi lấy chồng ở chợ Xóm Lung (thuộc thị xã Giá Rai). Sống với nhau vài tháng thì hai người chia tay nên chị Hon lên TP Cần Thơ làm thuê rồi quay về Bạc Liêu phụ bán nước mía ở Xóm Lung.
"Phụ bán nước mía một thời gian, tôi có quen một người nói giọng miền Bắc. Quen biết nhau một thời gian, ông này rủ tôi lên thị xã Bạc Liêu (nay là TP Bạc Liêu - PV) chơi. Tại đây, tôi được ăn uống và ngủ đi lúc nào không hay. Khi thức dậy thì biết mình đang ở Trung Quốc", chị Hon kể.
Sau khi bị những người lạ mặt ở Trung Quốc bán cho nhiều người đàn ông mua về làm vợ 4-5 lần. Lần cuối cùng cách nay 8 năm, chị Hon làm vợ một người đàn ông nghiện rượu.
Mỗi lần uống rượu là ông ta đánh đập chị Hon nên người vợ phải tìm cách bỏ đi. Trên bước đường tìm về quê, chị Hon làm thuê ở nhiều nơi, bằng đủ thứ nghề.
"Có lần xem tivi tôi nghe được hai tiếng 'ăn cơm' và 'hai nghìn đồng'. Tôi nói theo và nói được 'một, hai, ba, bốn' thì lúc đó mới chắc mình là người Việt Nam.
Từ đó, tôi càng nhớ dần về gia đình và mong muốn sớm về với mẹ và các anh, chị. Tuần trước, nhờ xe honda ôm, tôi được chở đến cửa khẩu giáp Trung Quốc", chị Hon nói.
|
Rất nhiều người đến nhà ông Tảng để thăm hỏi người phụ nữ lưu lạc 22 năm ở Trung Quốc. |
Bà Nguyễn Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông cho biết đầu năm 2019, UBND xã đã làm giấy khai tử cho chị Hon trong lần thực hiện công tác điều tra dân số.
Hiện, chị Hon đã về và xác định còn sống thì xã sẽ đề nghị UBND huyện thu hồi giấy khai tử, để địa phương sau đó cấp lại giấy khai sinh mới cho chị Hon, người phụ nữ bị bán sang Trung Quốc làm vợ nhiều người suốt 22 năm.