Những ngày vừa qua, thông tin vụ việc một kíp trực cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không đến đón bệnh nhân vì nhầm địa chỉ đã gây bức xúc cho người nhà và bệnh nhân, đồng thời gây xôn xao dư luận. Ngay khi báo chí đưa tin, giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã lên tiếng xác nhận sự việc và đã nhận trách nhiệm cũng như xin lỗi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về sự cố. Đồng thời, bệnh viện cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ kíp trực cấp cứu để xảy ra sự việc trên, đồng thời chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật để xác định trách nhiệm của những người liên quan.
Đây không phải lần đầu trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vướng lùm xùm gây xôn xao.
|
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. |
Nhân viên khai khống để lấy thuốc
Tháng 4/2014, một nhân viên tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã khai khống hồ sơ, lợi dụng thẻ bảo hiểm của nhiều người rút ruột tiền thuốc của Nhà nước.
Thông tin trên báo Lao Động có đưa, theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, dược sĩ Lê Thị Thu Hương – nhân viên trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ và lĩnh thuốc BHYT về sử dụng cho người trong gia đình.
Trên giấy tờ có những bệnh nhân dù trong vòng 1 tháng đến khám tại phòng khám Trung tâm cấp cứu 115 đến ba lần mà họ không hề hay biết. Có bệnh nhân không hề bị tiểu đường, nhưng trong hồ sơ vẫn nằm trong danh sách cấp phát thuốc loại này.
|
3 chữ ký khác nhau của cùng một người đã bị nhân viên 115 Hà Nội sử dụng để lấy thuốc. Ảnh: Vietnamnet. |
Sau đó, Bảo hiểm xã hội Hà Nội vào cuộc, kiểm tra việc thu chi của bảo hiểm y tế trong năm 2012 và sáu tháng 2013 đã phát hiện 49 hồ sơ khống được dựng lên để rút ruột thuốc của bảo hiểm y tế, với số tiền là hơn 19 triệu đồng.
Trong đơn tường trình, chị Hương cho biết, số thuốc phải kê khai khống không tự bản thân làm, mà do chỉ đạo của cấp trên, lập hồ sơ “khống” để lấy một số loại thuốc làm công tác ngoại giao.
Báo Tin tức đưa thông tin trong vụ việc này, thanh tra Sở Y tế kết luận trong vụ việc, chỉ có duy nhất dược sĩ Lê Thị Thu Hương là làm sai quy định, lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân để rút ruột thuốc và phải chịu hình thức xử lý kỷ luật. Ngoài ra, 7 cán bộ y tế có liên quan trong quy trình lập phiếu khám khống, kê đơn… chỉ bị nhắc nhở, phê bình và giữ nguyên vị trí công tác vì sai phạm chưa nghiêm trọng và không vì mục đích cá nhân, mà chỉ vì “cả nể” khi đồng nghiệp nhờ ký vào phiếu khám bệnh, kê khống đơn thuốc.
Mời độc giả xem video Xe cứu thương gây tai nạn trong đêm rồi bỏ chạy (nguồn: VTC14):
Hét giá gọi cấp cứu đắt đỏ
Là một đơn vị y tế uy tín ở Thủ đô, song không ít lần hình ảnh của trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội bị ảnh hưởng bởi những lùm xùm, trong đó có giá gọi xe cấp cứu.
Tháng 9/2015, báo Công an Nhân dân có đưa tin về phản ánh của độc giả khi bị hét giá gọi xe cấp cứu của 115 Hà Nội. Theo đó, người này khi đang ở cơ quan làm việc, bỗng có cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Lo sợ tình trạng sức khỏe không tốt nên cơ quan đã gọi điện thoại cho Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Hai nữ nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 có mặt và thực hiện các động tác thăm khám ban đầu đã đưa bệnh nhân vào Bệnh viện 198 để điều trị.
Với chiều dài khoảng 10km, nhưng nhân viên xe cấp cứu đã “hét” giá 400.000 đồng, với lý do: “Bên chị mà vận chuyển người bệnh từ các điểm trong ngoại thành đến Nhà hát Lớn là 400.000 đồng, còn xuống tận đây xa hơn thì tùy gia đình”... Nhận thấy kíp cấp cứu hôm đó thu tiền vận chuyển với giá cao so với quy định, sau khi ra viện, bệnh nhân đã phản ánh sự việc trên đến Báo CAND.
Trong khi đó, bảng giá dịch vụ kỹ thuật theo danh mục tại thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ban hành theo Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, khung giá thu vận chuyển cấp cứu khoảng cách quãng đường nhỏ hơn hoặc bằng 20km, mức thu là 80.000 đồng đối với cấp cứu tại chỗ để lại nhà không vận chuyển và thu 120.000 đồng đối với cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện. Trước phản ánh này, lãnh đạo bệnh viện cho biết sẽ kiểm tra và xử lý nếu có tình trạng nhân viên làm việc như phản ánh của báo chí.