|
Quy định chụp ảnh chân dung chủ thuê bao chưa mang lại hiệu quả quản lý vào thời điểm này |
Tờ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 25 của Bộ TT-TT đang được lấy ý kiến cho biết, nhằm phục vụ công tác hậu kiểm, cung cấp bằng chứng xác thực để bảo đảm việc giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông là có thực và đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về giấy tờ tùy thân (CMND, căn cước) điện tử để đối soát, Điều 1 Nghị định 49 đã quy định bổ sung trường thông tin về ảnh chụp thuê bao di động.
Cuối tháng 4/2018 (1 năm sau khi Nghị định 49 có hiệu lực), các nhà mạng đã đốc thúc thuê bao của mình đi chụp ảnh bổ sung thông tin cho thuê bao. Để giữ liên lạc, người dân đã phải xếp hàng dài tại các điểm giao dịch của nhà mạng để được bổ sung thông tin.
Quy định này đã nhận được không ít trái chiều từ dư luận.
Tờ trình của Bộ TT-TT cho biết: "Ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng: chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân, có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân; đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết...".
Kết quả rà soát, đánh giá đến thời điểm này cho thấy để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác thì nhất thiết phải có việc đối soát giữa thông tin thuê bao do doanh nghiệp viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy (của cơ quan nhà nước có trách nhiệm).
Hiện nay, theo báo cáo của tổ chức GSMA vào tháng 3-2018, trên thế giới mới có 16/147 quốc gia mà Chính phủ yêu cầu quản lý thông tin thuê bao có và cho phép doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu thông tin của Chính phủ để đối soát thông tin.
Tuy nhiên, "hiện tại nước ta chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn tới các doanh nghiệp viễn thông thật sự không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không"- Bộ TT-TT cho biết.
Liên quan đến nội dung này, theo Bộ TT-TT, tại tờ trình số 109/TTr-BTTTT ngày 30-12-2016, Bộ TT-TT đã báo cáo Chính phủ. Theo đó: “Kể từ ngày 1-1-2016, sẽ triển khai loại thẻ căn cước công dân và các loại giấy tờ tùy thân sẽ đồng giá trị cho đến khi các chứng minh nhân dân hết hạn (15 năm kể từ ngày cấp). Như vậy, sớm nhất là đến năm 2028 mới có thể có được cơ sở dữ liệu căn cước công dân tập trung trên cả nước“.
Để làm rõ, vào tháng 8-2018, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cũng đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an và được biết, cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử hiện mới triển khai xong ở 13 tỉnh/thành phố với khoảng 11 triệu căn cước và do khó khăn về kinh phí nên thời gian hoàn thành còn chưa thể xác định chính xác.
"Vì vậy, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý và nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao (đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp (các doanh nghiệp ước tính là còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng, do vậy thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này"- Bộ TT-TT nêu quan điểm.
Trước đó, theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thuê bao mới (sử dụng dịch vụ di động sau ngày Nghị định 49 có hiệu lực 24-4-2017), phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ chụp).
Thuê bao cũ (sử dụng dịch vụ trước ngày24-4-2017): Nếu có thông tin thuê bao chưa đầy đủ, chưa chính xác thì sẽ phải đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để cập nhật lại thông tin và chụp ảnh tại thời điểm cập nhật như thuê bao mới;
Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp viễn thông có sở cứ bảo đảm thông tin thuê bao là chính xác (đúng người) và không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng thì doanh nghiệp tự triển khai các biện pháp cần thiết để bổ sung thông tin thuê bao và bổ sung ảnh chụp.
Quy định này đã khiến cả nhà mạng và người dân gặp không ít khó khăn và tốn kém thời gian.