Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018.
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phân tích, giai đoạn 2013-2018, trong quá trình cải cách nền kinh tế các nhiệm vụ có cấp bách, có tính chuyên biệt cần thiết phải có nguồn lực tài chính đã thường xuyên phát sinh. Vì vậy, cần một nguồn lực tài chính độc lập tương đối, hoặc độc lập hoàn toàn với ngân sách, thực hiện các nhiệm vụ chi mà ngân sách không kịp thời hoặc không có khả năng đảm bảo.
Trên cơ sở đó, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật có liên quan.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Quochoi.vn. |
Nhiều bất cập nguồn tài chính hình thành quỹ
Đoàn giám sát cho rằng để đảm bảo hiệu quả trong việc ban hành chính sách và quản lý các quỹ này, tránh thất thoát nguồn vốn ngân sách, giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp thì cần thiết phải tổng kết, đánh giá một cách cụ thể; từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các quỹ đã hết nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả và xắp sếp, cơ cấu lại các quỹ để bãi bỏ các nhiệm vụ thu, chi trùng với nhiệm vụ của ngân sách.
Đoàn giám sát nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trước hết là chưa có các cơ quan cả ở Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Nguồn tài chính hình thành các quỹ này còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao
Đặc biệt, dư nguồn tại nhiều quỹ ở Trung ương và địa phương còn lớn do hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa đúng với chức năng nhiệm vụ. Việc này gây lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn.
Đoàn giám sát cho rằng có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế; một số quỹ tài chính ngoài ngân sách có bộ máy quản lý yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra và kiểm toán chưa được thực hiện nhiều.
|
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bãi bỏ ngay Quỹ bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Từ thực tế đó, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Đồng thời, bãi bỏ một số quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các Luật.
Chính phủ cần có lộ trình rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các quỹ này để bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn lực của quỹ có hiệu quả, công khai, minh bạch.
Đề nghị bãi bỏ hàng loạt quỹ
Đặc biệt, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với một số quỹ. Đầu tiên là Quỹ bảo trì đường bộ ở Trung ương và ở địa phương, toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách Nhà nước cấp hàng năm.
Tiếp đó là Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số quỹ như Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.
Đồng thời, Đoàn đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ hoặc trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính nói gì?
Thảo luận tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại ý kiến của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, cho rằng nếu bỏ quỹ này thì thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sẽ rất khó khăn. Khi giá xăng dầu thả nổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng khác.
Ông Thanh cũng nêu quan điểm cần lộ trình xử lý vấn đề này, nếu bỏ ngay quỹ này thì sẽ khó kiểm soát được lạm phát.
Giải trình làm rõ các ý kiến, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết hiện có 48 quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, trong đó 28 quỹ ở Trung ương và 20 quỹ ở địa phương. Phần lớn được thành lập trước khi Luật NSNN 2015 có hiệu lực thi hành (năm 2017).
Việc tồn tại các quỹ tài chính Nhà nước theo Bộ trưởng Tài chính là cần thiết, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động của các quỹ còn nhiều tồn tại.
Dù quỹ ngoài ngân sách do các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thành lập và quản lý, nhưng với tư cách cơ quan quản lý chung về tài chính, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ để quản lý chặt chẽ.
"Trong quá trình tham gia với các bộ ngành, Bộ Tài chính luôn đóng vai ‘ông ác’. Gần như nào Luật nào cũng đòi lập quỹ, kể cả ở Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nhưng chúng tôi không đồng tình", ông Dũng chia sẻ.
Liên quan đến một số đề xuất rà soát, bãi bỏ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết về Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Tài chính đã hai lần báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng đã đồng ý và giao Bộ GTVT sửa Nghị định và Quyết định của Thủ tướng về thành lập quỹ.
“Thực tế, dù có trong luật nhưng quỹ này năm qua không còn tồn tại vì đã đưa vào ngân sách”, ông Dũng nói.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã nhiều lần trình Thủ tướng nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 83. Theo Bộ trưởng, hiện xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu, còn 20% là nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất phần lớn nhập khẩu. Do đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới với giá trong nước vẫn rất lớn.
“Trong điều hành chung, một tay chúng ta kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, một tay vẫn phải theo thị trường. Nếu có cú sốc của thị trường sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kiểm soát lạm phát”, ông Dũng phân tích.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày), để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì khi đó sẽ không cần quỹ. Tuy nhiên nếu theo cơ chế hiện nay thì vẫn cần.
"Việc này chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì đánh giá tổng kết Nghị định 83, trong đó có quỹ này để sửa đổi thời gian tới", Bộ trưởng Tài chính cho biết.