ĐBQH: Thủ đoạn tinh vi, hành vi gian lận khó nhận biết trong đấu thầu

Google News

Góp ý về Luật Đấu thầu, các đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi do chưa có quy định cụ thể.

Chỉnh lý dự thảo luật, hạn chế hành vi sai phạm
Sáng nay 24/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị không cần đấu thầu để rút ngắn được thủ tục, tiết kiệm thời gian và tránh được tiêu cực, tâm lý né tránh trách nhiệm. Đề nghị nghiên cứu thực hiện chào giá cạnh tranh với một số điều kiện ràng buộc cụ thể.
DBQH: Thu doan tinh vi, hanh vi gian lan kho nhan biet trong dau thau
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: QH.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Đấu thầu được ban hành lần đầu vào năm 2005 và sửa đổi năm 2013. Dự thảo Luật này quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định đã áp dụng ổn định, tại các Luật được ban hành từ năm 2005, 2013 và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong những năm qua, việc thực thi Luật Đấu thầu đã có tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập, vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Mặt khác, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu tương tự như Việt Nam; Hướng dẫn đấu thầu của các nhà tài trợ quốc tế cũng có quy định tương tự về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu.
“Vì vậy, đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Tuy nhiên, thực tế trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực, dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Các vụ việc đã được khởi tố hoặc xử lý vi phạm cho thấy, trong tổ chức thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình “thông thầu”, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, gian lận để trục lợi.
Do vậy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.
Nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.
DBQH: Thu doan tinh vi, hanh vi gian lan kho nhan biet trong dau thau-Hinh-2
  Đại biểu Lê Thị Song An (Long An). Ảnh: QH.
Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. “Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn”, đại biểu cho hay.
Đề cập tới “chiêu trò” của một số chủ đầu tư, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu thì cần phải đấu thầu, tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng đấu thầu.
“Thời gian qua, có những trường hợp giá trị gói thầu cao nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. Trong những chiêu trò của một số chủ đầu tư thời gian qua muốn nhà thầu quen thân của mình trúng thầu thì đã có phương pháp cụ thể, cuối cùng nhà thầu thân quen sẽ trúng”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không phải lĩnh vực đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả cho Nhà nước, do vậy cần xem xét lại, quy định cụ thể hơn.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)