ĐBQH: Học phí tăng cao do gánh cả tiền xây dựng, lãi suất ngân hàng

Google News

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng đầu tư cho giáo dục, y tế và tháo gỡ vướng mắc cho đơn vị sự nghiệp công lập để cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, chi phí hợp lý.

Ngày 5/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
DBQH: Hoc phi tang cao do ganh ca tien xay dung, lai suat ngan hang
 Đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội), Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Quân (đoàn Hà Nội), Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục.
Qua kinh nghiệm từ Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, các Đại học hàng đầu Trung Quốc, có thể thấy, một đại học có nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ giảng viên gồm đông đảo các nhà khoa học; sở hữu khối tài sản công lớn, chỉ cần có thêm cơ chế thì đại học hoàn toàn có thể tự chủ và có nguồn thu rất lớn, dù học phí đại học rất rẻ.
“Luật Đầu tư công lần này cũng đã có những tháo gỡ, nhưng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế và đơn vị sự nghiệp giáo dục”, đại biểu Lê Quân nêu ý kiến.
Đại biểu Lê Quân cho hay, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những điểm rất ưu việt trong vấn đề sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trên địa bàn Hà Nội trong đối tượng áp dụng thì lại chưa được áp dụng theo Luật Thủ đô. Đại biểu kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công cần theo hướng giúp Đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học.
“Bởi các nguồn thu ngoài học phí và ngoài ngân sách về cơ bản sẽ chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của các trường đại học. Nếu chúng ta phát triển các nguồn lực này thì sẽ giảm được gánh nặng cho vấn đề học phí và chi ngân sách”, đại biểu phân tích.
Liên quan đến kinh phí khoa học, công nghệ, đại biểu cho rằng, kinh phí khoa học, công nghệ của năm 2024 đã có bước tiến bộ và có mức độ tăng, Tuy nhiên, chúng ta chi chưa được 1% hoặc nhỉnh hơn 1% một chút so với chi ngân sách, trong khi đó Nghị quyết 20 cho là 2%, vậy vướng mắc ở đâu?
Đại biểu Lê Quân dẫn thực tế, năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM, ngân sách trung ương chi cho khoa học và công nghệ cho mỗi một đại học khoảng 70 tỷ, tổng cộng khoảng 140 tỷ. Năm nay con số tăng lên, theo dự toán được 250 tỷ cho 2 đại học.
Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội có 72 giáo sư, có gần 482 phó giáo sư và 1.500 tiến sĩ và tổng số nhà khoa học khoảng 2.500. Với mức kinh phí chỉ có mấy chục tỷ như vậy và kinh phí ngoài chi thường xuyên và một số hoạt động khác thì kinh phí để chi cho các đề tài khoa học, công nghệ từ các nguồn này, chi bình quân ra chưa đến 2.000 USD cho một đầu người, một nhà khoa học 1 năm
Trong khi đó, để quốc gia có bước đột phá với đổi mới sáng tạo thì phải dựa vào các nhà khoa học. Nhất là, khi đã xác định giai đoạn sắp tới cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo hướng đến kỷ nguyên vươn mình, cần chú trọng thật sự chú trong tới giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và khoa học công nghệ. Nếu đầu tư tốt cho 3 lĩnh vực này trong thời gian tới thì sẽ tạo ra bứt phá, đem đến kết quả lâu dài cho các giai đoạn sau.
Đại biểu Lê Quân cho rằng, cần phải đổi mới về cơ chế. Đầu tiên là vấn đề thanh quyết toán, hiện thủ tục rất khó khăn. Một đề tài kinh phí thì ít nhưng thủ tục thanh quyết toán rất chậm, hay các định mức cho các thanh quyết toán rất lạc hậu. Các nhà khoa học phải làm các thủ tục giải ngân rất nhiều, vấn đề này đã nói rất nhiều.
Đặc biệt, cần đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí khoa học, công nghệ. Kinh phí khoa học, công nghệ cần đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, đầu tư theo các đơn vị khoa học, công nghệ và phải có đầu tư trọn gói, định mức dài hạn. Hoặc cần có quy định, những nhà khoa học đạt tiêu chí gì, những nhóm nghiên cứu đạt tiêu chí như thế nào thì được đầu tư dài hạn, đi liền với đó là gói đầu tư về kinh phí, về trang thiết bị…
“Hiện nay chúng ta theo quy trình duyệt đề tài từng năm, lên Bộ Khoa học và Công nghệ rồi sang Bộ Tài chính, ra Quốc hội, như vậy, chúng ta ăn đong rất nhiều”, đại biểu Lê Quân nêu ý kiến.
DBQH: Hoc phi tang cao do ganh ca tien xay dung, lai suat ngan hang-Hinh-2
 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng.
Phát biểu trước đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, nếu một trường đại học được đầu tư ngân sách cho cơ sở vật chất, kỹ thuật đầy đủ, có điều kiện khang trang, thì chi phí cho học phí của hệ đại trà không cao hơn so với nhiều các trường đại học khác. Nhưng hiện nay, nhiều trường phải đi vay tiền để đầu tư xây dựng, phải trả lãi suất ngân hàng thì chắc chắn trong chi phí đào tạo sẽ rất cao.
Đây chính là một nguyên nhân mà nhiều đại biểu trong bài phát biểu vừa qua đều nói rằng các trường đại học tự chủ bây giờ học phí rất cao, bởi vì trong đó phải gánh chịu cả những vấn đề về chi phí đầu tư cơ bản ban đầu cộng với trả lãi suất cho ngân hàng.
“Nếu thực hiện cơ chế tự chủ mà chúng ta cứ để cho các trường đại học, các bệnh viện tự lo, tự xoay sở, tự trả như thế thì không khác gì thực hiện cơ chế tự chủ thị trường, không còn là định hướng xã hội chủ nghĩa”, ông Cường nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho 2 lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu. Sau khi đầu tư xong thì giao cho các trường này thực hiện tự chủ, phải tự tính khấu hao để tái đầu tư và tự lo thường xuyên.
Khi đó, các cơ sở này hoàn toàn có thể tự lo được, tự chủ được. Nếu tập trung trong khoảng 5-10 năm để dành khoảng 5 đến 10% đầu tư phát triển cho lĩnh vực y tế, giáo dục thì sau đó chúng ta sẽ có được một hệ thống về giáo dục đại học cũng như các bệnh viện sẽ khang trang, hiện đại. Và khi đó, người hưởng lợi chính là người dân, người học.
“Biết rằng đầu tư cho lĩnh vực nào cũng quan trọng, cấp bách, song nếu chỉ cần điều chỉnh một chút từ các lĩnh vực khác tập trung cho y tế, giáo dục thì hàng triệu người học, hàng chục triệu người bệnh sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt, chi phí hợp lý. Và mục tiêu phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là động lực để phát triển đất nước bền vững”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, liên quan phân bổ vốn khoa học, công nghệ chi thường xuyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải thích lý do vì sao Quốc hội quy định là 2%, nhưng các năm qua chỉ chi được khoảng hơn 1%. Bởi theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại...
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)