ĐBQH: Doanh nghiệp đỡ khó, cân nhắc gia hạn giảm thuế VAT 2%

Google News

Đại biểu quốc hội cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, trong khi ngân sách nhà nước đang thất thu, nên hết sức cân nhắc việc gia hạn giảm thuế VAT.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 25/5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề đã cho thấy, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án thuộc Nghị quyết số 43 không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023. Trong đó, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các NHTM đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch)…
Cân nhắc gia hạn giảm thuế VAT 2%
Nêu ý kiến về chính sách tài khóa, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho hay, đối với chính sách giảm thuế 2%, có một số những ngành là đúng nhưng có những lĩnh vực chưa chắc đã cần phải giảm.
DBQH: Doanh nghiep do kho, can nhac gia han giam thue VAT 2%
 Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QH.
“Việc giảm 2% đấy là thuế giãn thu cho doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Tất nhiên, khu vực tư vẫn còn đang khó khăn nhưng tôi nghĩ hỗ trợ khu vực tư bằng các chính sách để các doanh nghiệp bớt khó khăn thì hiệu quả hơn là việc giảm thuế 2%. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng đang thất thu. Tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc gia hạn này để đảm bảo cân đối tài chính công”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu ý kiến.
DBQH: Doanh nghiep do kho, can nhac gia han giam thue VAT 2%-Hinh-2
 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị).
Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho hay, chính sách giảm thuế VAT 2% cho DN đã phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sẵn có. Nhưng việc giảm thuế VAT cũng đã gặp một số trở ngại khi phân loại hàng hóa nào quy định thuế VAT 8%, và loại hàng hóa nào là 10%. Nếu được quy định lại, đại biểu cho rằng gói giảm thuế VAT nên giảm đồng loạt xuống 8% sẽ tốt hơn.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhìn nhận, đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, còn lúng túng.
Theo ông Hải, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Các văn bản hướng dẫn phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp. Việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc và không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.
Hỗ trợ từ giảm 2% thuế VAT đạt gần 44.500 tỷ đồng 
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỷ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2023 là 2.960 tỷ đồng, bằng 90% số dự kiến.
Việc áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Chính sách có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời việc áp dụng chính sách này còn góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên, việc thực hiện miễn, giảm thuế còn nhiều tồn tại. Cụ thể, về việc xác định một số hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT và một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT và tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu; một số doanh nghiệp không nắm rõ các mặt hàng kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT.
Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.
Số tiền giảm thuế VAT đối với trường hợp này thấp, một số cơ sở kinh doanh, người mua hàng hóa dịch vụ không muốn thực hiện theo quy định. Còn một bộ phận khá lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ, lẻ không thực hiện hoặc không có điều kiện thực hiện xuất hóa đơn bán hàng nên không quản lý được giá bán hàng hóa.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)