ĐBQH đề xuất Chính phủ sớm can thiệp bình ổn giá xăng dầu

Google News

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.

Sáng 30/10, tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.
Theo ông Ngân, giá xăng dầu đang tăng rất nhanh trong khi hiện nay chúng ta đang có dư địa, công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.
Về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đại biểu Ngân cho rằng sẽ đối diện nhiều thách thức. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với diễn biến dịch bệnh COVID-19.
Đại biểu Ngân cũng cho rằng nền kinh tế nước ta hiện có độ mở rộng lớn nên có thể chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những yếu tố bất định. Thời gian qua, nhiều nước tung ra nhiều gói kích thích kinh tế làm tăng tổng cầu. Bên cạnh đó việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm cho giá cả hàng hoá tăng cao khiến lạm phát tăng mạnh.
“Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất định”, ông Ngân nói.
DBQH de xuat Chinh phu som can thiep binh on gia xang dau
ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận từ điểm cầu TP.HCM. 
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, với tinh thần quy hoạch đi trước một bước, việc quy hoạch phải được xây dựng, triển khai sớm, tránh tình trạng một số địa phương, một số ngành đến thời điểm tổ chức triển khai mới quy hoạch. Quy hoạch xong thì nhiều vùng, nhiều dự án đã triển khai.
Theo đại biểu Đào Hồng Vận, 10 năm qua, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả to lớn, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Nền kinh tế phát triển ổn định, có tốc độ phát triển cao, đời sống nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại, nền kinh tế còn có những hạn chế như báo cáo đã nêu, cần có những giải pháp để khắc phục.
Đồng tình với giải pháp của Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Vận cho rằng cấn chú ý nhiều giải pháp, trong đó trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để ổn định quan trọng nhất chúng ta phải nâng cao nội lực nền kinh tế, phát huy khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước.
Theo Xuân Trường/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)