Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch sáng 1/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, cơ bản đồng tình Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Ông Nghĩa cho rằng, công tác quy hoạch đúng hướng, hiệu quả đã giúp nhiều ngành thành công, trong đó có ngành hàng không và công nghệ thông tin, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy hoạch cũng là nguồn cơn của rất nhiều tiêu cực, thiệt hại.
“Nhiều quy hoạch ban đầu đúng nhưng sau đó bị phá hỏng, điều chỉnh méo mó đi theo lợi ích nhất thời hoặc bị tác động nhất định của nhóm lợi ích. Tất nhiên khi quy hoạch vẫn có điều chỉnh, nhưng điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa, phải có tầm nhìn, xét theo cả quá trình chứ không phải giải pháp tình thế hay những áp lực nhất định”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
|
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Nghĩa cũng dẫn một số ví dụ tại các đô thị thuộc các nước phát triển và cho rằng, quy hoạch các nước này rất hợp lý. Ngay cả ở Sài Gòn trước đây, quy hoạch rất tốt.
“Quy hoạch cần phải cụ thể, từ việc phát triển các khu vui chơi, tiện ích, giải trí cách trường học bao xa. Hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng cần phải được làm chi tiết, thậm chí là đến từng quận/huyện, phường/xã...Như chúng ta bàn về Luật thể dục, thể thao, không nhất thiết xây một sân bóng đá, bóng rổ kiên cố, chỉ cần có khoảng trống, có cây xanh, thảm cỏ là trẻ em, người già có thể tập thể dục. Nhưng những khoảng trống đó dần dần mất đi để nhường chỗ cho các công trình kiên cố, nên việc chỉnh sửa hết sức cẩn trọng”, ông Trương Trọng Nghĩa cho hay.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị chưa nên vội vàng thông qua luật, cần có thời gian nghiên cứu tiếp, chỉnh sửa thêm.
Đại biểu này cũng đồng tình bỏ quy hoạch tổng thể công chứng là đúng: “Chuyện bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng là đúng nhưng lo về đánh đồng dịch vụ công chứng như các dịch vụ khác, có khi hậu quả phải 20-30 năm sau mới thấy rõ. Nếu 5-7 năm sau phòng công chứng bị dẹp và đóng cửa, thậm chí ra nước ngoài định cư rồi thì làm sao xét xử được. Ở vùng sâu vùng xa, phát triển văn phòng công chứng thì Nhà nước phải có trách nhiệm”, ông Nghĩa nói.
Đồng tình về việc bỏ quy hoạch tổng thể công chứng, đại biểu đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nói rằng: “Trước đây, công chứng là dịch vụ công, nay Nhà nước ủy quyền cho tư nhân làm. Với tính chất đặc thù như vậy nên hoạt động công chứng rất cần được quản lý chặt chẽ. Lo các vấn đề phát sinh khi các tổ chức công chứng cạnh tranh nhau, cạnh tranh khách hàng, khi đó rủi ro về pháp lý là rất lớn, hiện tượng công chứng viên bắt tay với người đi công chứng trong chuyển nhượng bất động sản cũng đã từng xảy ra”.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề nghị dự án luật cần được rà soát, bổ sung, sửa đổi để đảm bản đúng mục tiêu ban hành luật, đảm bảo tính thống nhất. Đây là vấn đề lớn nên cần đánh giá thận trọng, đồng bộ các luật liên quan, có thể thông qua vào kỳ họp sau.
“Thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch đã xảy ra khá nhiều tại các Thành phố lớn, làm phá vỡ quy hoạch ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội.
Điển hình như việc điều chỉnh xây dựng các chung cư cao tầng ở nội đô, cho phép chuyển đổi chức năng công ích của nhiều diện tích đất vốn dành cho giáo dục, y tế…làm biến dạng quy hoạch, phá vỡ kết cấu hạ tầng như Khu đô thị Linh Đàm tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, quy định về giấy phép và chứng chỉ quy hoạch nêu trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch mâu thuẫn với Luật Xây dựng, và Luật Quy hoạch đô thị.
Theo đó việc lập quy hoạch là trách nhiệm của Nhà nước và Nhà nước phải công khai quy hoạch. Đồng thời, quy định này không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch trong Luật Quy hoạch”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.