Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa giao Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai và kết nối với Trung Quốc. Chủ đầu tư được quyền lựa chọn tư vấn lập báo cáo theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện từ nay tới năm 2025.
Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế qua Trung Quốc; đảm bảo trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác. Tuyến đường sắt có vai trò là một trong các trục giao thông chính trên hành lang kinh tế Đông - Tây của khu vực phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng cao, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
|
Nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt mới kết nối Hải Phòng - Hà Nội -Lào Cai. |
Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy định.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, điện khí hóa. Lộ trình đầu tư dự án đến năm 2030 và sau năm 2030.
Tuyến đường sắt khi hình thành sẽ kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, phía Bắc kết nối với đường sắt Trung Quốc tại Lào Cai, đảm bảo tàu có thể chạy thẳng vào hệ thống đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Định hướng giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối từ Hải Phòng tới ga Cái Lân (Quảng Ninh).
Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã gửi lấy ý kiến các đơn vị, chuyên gia, người dân về Báo cáo đầu kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, do tư vấn trong nước thực hiện. Tuyến đường sắt mới dự kiến tổng chiều dài hơn 441 km, đi qua 9 tỉnh thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (ga Cái Lân).
Tàu sẽ chạy từ Ga Lào Cai là điểm đầu, qua Hà Nội, Ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu) và điểm cuối là Ga Hạ Long (cho tàu khách), Ga Cái Lân (cho tàu hàng) trên địa phận của tỉnh Quảng Ninh. Đoạn từ Nam Hải Phòng đi cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Đồ Sơn sẽ chạy tàu theo phương thức đường nhánh.
Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn với chiều dài 47,5km đi qua các con sông lớn như Sông Hồng, Sông Lô, Sông Bạch Đằng và các chạy qua các đoạn đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng -Quảng Ninh, qua các đường quốc lộ và một số đường tỉnh; có 11 hầm với chiều dài khoảng 10km.
Toàn tuyến từ Lào Cai đến Quảng Ninh có 41 ga. Trong đó, 5 ga lập tàu gồm Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân; 10 ga trung gian phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương; 5 ga trên cảng biển gồm Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
Trước đó, năm 2018, với sự hỗ trợ vốn ODA của Trung Quốc, Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 Đường sắt Trung Quốc đã thực hiện lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Trung Quốc.
Theo nghiên cứu trên, tổng chiều dài toàn tuyến phía Việt Nam khoảng hơn 390 km (chỉ đi chung tuyến hiện có khoảng 12 km, còn lại làm mới), đường sắt đơn khổ ray 1.435 mm, kết hợp tàu khách và hàng, tốc độ chạy tàu 160 km/h, với 15 đôi tàu/ngày. Tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước khoảng 100.000 tỷ đồng.