Quê nhà đón Đại tá Phạm Giang Nam trong nước mắt
Sáng ngày 28/7, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức Lễ viếng, Lễ Truy điệu đồng chí Thượng tá phi công Khuất Mạnh Trí và đồng chí Đại tá phi công Phạm Giang Nam. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ từ khắp các đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đến Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 (thành phố Vinh, Nghệ An) để tiễn đưa 2 người đồng đội là thượng tá Khuất Mạnh Trí và đại tá Phạm Giang Nam.
|
Di ảnh Đại tá Phạm Giang Nam và Thượng tá Khuất Mạnh Trí. |
Khoảng 14h chiều ngày 28/7, đoàn xe đưa linh cữu của hai phi công vụ máy bay rơi ở Nghệ An đã về đến đài hóa thân Hoàn Vũ (Hà Nội) để làm các thủ tục hỏa táng. Sau khi làm lễ hỏa táng, hài cốt hai liệt sĩ sẽ được an táng tại quê nhà.
|
Chiều ngày 28/7, thi hài Đại tá Phạm Giang Nam đã được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Hà Nội. |
Ghi nhận của PV Kiến Thức, cuối giờ chiều ngày ngày 28/7, mọi công tác chuẩn bị đón Đại tá Phạm Giang Nam, chiến sỹ hi sinh trong vụ rơi máy bay tại Nghệ An về với đất mẹ Thái Bình đã hoàn tất.
Ngay từ sáng sớm, tại nhà Đại tá Phạm Giang Nam thuộc thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình), UBND huyện, ban Chỉ huy quân sự huyện Thái Thụy hiện đã cắt cử lực lượng để túc trực, phân công nhiệm vụ, phối hợp cùng gia đình và đơn vị của Đại tá Nam cùng chung tay hoàn tất các công tác chuẩn bị để đón nhận, truy điệu, an táng.
Thể theo nguyện vọng của gia đình, tang lễ Đại tá Phạm Giang Nam sẽ được tổ chức theo phong tục, tập quán của địa phương, sau khi đưa tro cốt của anh được đưa từ Đài hóa thân hoàn vũ về nhà.
Hiện tại, Quân chủng Phòng không – Không quân, bộ Quốc phòng đang cùng gia đình chuẩn bị cho công tác tổ chức tang lễ cho Đại tá Nam. Các cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ không ai bảo ai, đều lặng lẽ mỗi người một chân một tay, người quét dọn, dọn dẹp đường, người chuẩn bị, trang trí nơi viếng và đặt tro cốt Đại tá Nam, người viết cáo phó, người sắp xếp bàn ghế…
Đại diện ban Chỉ huy quân sự huyện Thái Thụy cho hay việc đưa tro cốt Đại tá Nam về quê còn phụ thuộc vào Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi tiến hành hỏa táng ở đài hóa thân Văn Điển xong thì tro cốt Đại tá Nam mới đưa về quê nhà, có thể, phải từ ngoài 17h chiều nay đến tối muộn cùng ngày.
|
Tại quê nhà, đồng đội và người thân đang chuẩn bị lễ tang, lễ an táng Đại tá Phạm Giang Nam. |
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 26/7, trong khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu, một máy bay phản lực Su-22U, số hiệu 8558 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không- Không quân đã gặp nạn và rơi ở làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Hai phi công bay huấn luyện đã hy sinh, gồm Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng (SN 1978; quê quán: phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) và Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921 (SN 1972; quê quán: xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Đến ngày 27/7, Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã ký Quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan đối với 2 đồng chí phi công của Trung đoàn không quân 921. Theo đó đồng chí Phạm Giang Nam truy thăng quân hàm sĩ quan từ Thượng tá lên Đại tá; đồng chí Khuất Mạnh Trí truy thăng quân hàm sĩ quan từ Trung tá lên Thượng tá.
Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 919/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 2 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng: Đại tá Phạm Giang Nam (nguyên quán: Xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và Thượng tá Khuất Mạnh Trí (nguyên quán: Phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây,TP Hà Nội).
Biết mặt bố đẻ khi 6 tuổi
Trước đó, ngay khi biết tin về việc Đại tá Phạm Giang Nam gặp tai nạn khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, từ chiều 26/7, căn nhà của gia đình ông Phạm Văn Mỹ (bố đẻ Thượng tá Phạm Giang Nam tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình) chật kín người thân, bà con chòm xóm đến chia sẻ, động viên gia đình. Dù biết anh Nam trên chiếc máy bay gặp nạn nhưng mọi người luôn hi vọng, may mắn sẽ đến và đơn vị sẽ tìm thấy và đưa anh trở về. Tuy nhiên, khi đơn vị về báo tin anh Nam đã hi sinh, tất cả trực trào nước mắt đau đớn, tiếc thương.
Ngay khi nhận được tin con trai hi sinh, ông Phạm Văn Mỹ đã cùng các cấp chính quyền địa phương lên kế hoạch cho tang lễ sắp tới của Đại tá Nam. Trong khi đó, vì quá đau đớn, mẹ đại tá Nam liên tục ngất lên, xuống khi tỉnh lại ú ớ gào khóc gọi tên con trai.
|
Bố mẹ Đại tá Phạm Giang Nam. |
Nói về con trai mình, ông Phạm Văn Mỹ nghẹn ngào cho biết, từ ngày lọt lòng, anh Nam đã chịu thiệt thòi khi thiếu vắng sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ cha do khi đó bản thân ông Mỹ đang công tác trong quân đội ở chiến trường miền nam.
"Ngày con chào đời, tôi không có mặt bên cạnh để an ủi, động viên vợ. Khi con trai được hai tuổi cũng là lúc gia đình nhận được tin báo tử, tôi đã hi sinh trong chiến trường miền nam. Lúc này, gia đình âm thầm giấu không cho mẹ tôi biết vì sợ bà không thể qua khỏi cú sốc quá lớn. Đến khi con trai được 6 tuổi cũng là lúc kết thúc hoàn toàn chiến tranh, tôi trở về địa phương trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Đặc biệt, vợ và con tôi lúc đó vô cùng mừng rỡ...Và lúc đó, con trai tôi mới biết cha”, ông Mỹ nghẹn ngào kể lại.
Cơ duyên đến với nhiệm vụ phi công
Theo ông Phạm Văn Mỹ, từ ngày mới 6 tuổi, anh Nam đã có những phẩm chất đặc biệt, khác nhiều với người thường.
"Lúc đẻ, Nam được 4,1kg, đến khi 6 tuổi mà nhìn nó chẳng khác gì đứa trẻ 11 hoặc 12 tuổi...Thời đấy còn khó khăn, vất vả thằng bé đã đi làm thợ lặn để bắt cá. Đặc biệt, nó có thể nặn dưới nước sâu từ 1 - 2 phút...", ông Mỹ kể về những phẩm chất đặc biệt ngay từ bé của con trai.
Nói về cơ duyên Đại tá Nam đến với nghề phi công rất tình cờ và có phần bất ngờ với gia đình, ông Phạm Văn Mỹ cho biết, khi anh Nam đang học lớp 10 (đang 16 tuổi) thì có một đơn vị không quân về trường tuyển quân đi đào tạo học lái máy bay với điều kiện cao từ 1m65 trở lên và nặng từ 58kg trở lên. Lúc này, Đại tá Nam đã trúng tuyển vào đợt tuyển quân này của đơn vị không quân.
Sau nhiều lần khám tuyển, kiểm tra sức khoẻ cũng như tư chất, học lực Đại tá Nam đã trúng tuyển vào lớp đào tạo phi công lái máy bay và học ở trường Thiếu sinh quân.
“Sau khi học ở Hà Nội hai năm và học tiếp trong Nha Trang (Khánh Hoà), anh Nam được phong quân hàm Trung uý đầu tiên. Khi chưa có gia đình, anh Nam vào tập lái và lái máy bay ở sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá). Khi lên đến Đại uý rồi Thiếu tá thì Nam lập gia đình...", ông Mỹ kể về những cột mốc thăng quân hàm của con trai.
Theo lời ông Phạm Văn Mỹ, Đại tá Nam đã có hơn 20 năm gắn liền với những chuyến bay với nhiều giờ bay. Đại tá Nam đã cất cánh từ sân bay Tân Sân Nhất (TP. Hồ Chí Minh), sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Gia Lâm (Hà Nội)...
Trong những lần về thăm gia đình, anh Nam kể rằng thời điểm lái may bay ở khu vực sân bay Phù Cát (Bình Định) là khó khăn, vất vả nhất. Bởi thời tiết tại đây rất nắng nóng, chỉ cần ngồi lên ghế lái, điều khiển máy bay bay lượn trên bầu trời khoảng 30 - 40 phút là người ướt đẫm mồ hôi. Biết công việc lái máy bay của con trai nhiều vất vả, nguy hiểm, vợ chồng ông Mỹ nhiều lúc rất lo lắng nhưng anh Nam luôn tìm cách động viên gia đình, bố mẹ yên tâm.
Qua lời kể của những người thân trong gia đình được biết, Đại tá Phạm Giang Nam là con trai cả trong nhà và cũng là trụ cột trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống của anh Nam lại khá vất vả. Hiện hai vợ chồng anh Nam đang sống ở TP Thái Bình và có 2 người con, cháu lớn mới được 4 tuổi còn cháu bé mới 2 tuổi. Được biết, vì là lính không quân nên anh Nam đều đặt biệt hiệu cho các con theo loại máy bay. Bé gái anh gọi là bé Su, bé trai gọi là bé Mích, cả 2 bé đều rất khỏe mạnh, kháu khỉnh. Mỗi lần được nghỉ phép anh Nam đều về quê thăm vợ con.
Những người quen biết vợ chồng Đại tá Phạm Giang Nam cho hay, anh Nam là người sống tình cảm, luôn quan tâm vợ con, hiếu thảo với bố mẹ và có một cuộc sống giản dị.