Dân cử người canh…doanh nghiệp khai thác cát vì sợ vỡ đê

Google News

Lo sợ khai thác cát sẽ gây vỡ đê, người dân xã Tứ Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) không còn cách nào khác đã cắt cử người đi canh.

Kí ức khó quên
Mắt đã mờ, lưng đã còng nhưng kí ức về trận lụt lịch sử năm 1986 vẫn còn nguyên trong trí nhớ của cụ Nguyễn Thị Hịu (94 tuổi) ở thôn Yên Kiều, xã Tứ Yên. Kể lại với PV báo Người Đưa Tin, cụ Hịu cho biết: “Thật là kinh hoàng, chỉ trong ít phút cả một vùng rộng lớn chìm trong biển nước. Hoa màu, gà lợn, trâu bò đều mất cả. Nhưng còn đau đớn hơn là mồ mả, ông bà tổ tiên cũng bị cơn đại hồng thủy cuốn đi mất”.
Dan cu nguoi canh…doanh nghiep khai thac cat vi so vo de
Chiếc phao cắm mốc cũng bị lật tung bởi sạt lở. 
Cũng giống như người mẹ của mình, ông Nguyễn Duy Hoạt (SN 1965) – con bà Hịu, hiện là Đại biểu HĐND xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chẳng thể quên nổi trận lụt lịch sử năm 1986. Theo trí nhớ của ông Hoạt thì cách đây đúng 30 năm, “thủy thần” sông Lô đã bất ngờ phá tan con đê của xã Tứ Yên. Chỉ trong nháy mắt, hàng trăm ngàn m3 nước đục ngầu phù sa cuồn cuộn cuốn phăng nhà cửa, vật dụng, vật nuôi của bà con.
“Nước dâng quá nhanh, chỉ trong ít phút xã Tứ Yên và các xã lân cận biến thành biển nước. Cũng chính vì trận lũ bất ngờ đó mà sau khi nước rút nước đi, nhiều hộ gia đình ở xã Tứ Yên rơi vào cảnh thiếu đói. Nói thật với các anh thì đây chính là kí ức chẳng thể nào quên được” – ông Hoạt cho biết thêm.
Không chỉ mẹ con ông Hoạt “rùng mình” nhắc về trận lụt lịch sử năm 1986, nhiều người dân thôn Yên Kiều khi nhắc lại “sự kiện” này cũng cảm thấy sợ hãi, xen lẫn sự lo âu.
Ông Hà Quốc Thắng (SN 1968), lộ rõ khuôn mặt đầy vẻ lo âu khi tâm sự với PV: “Dân gian có câu “nhất thủy, nhì hỏa” chẳng sai chút nào. Đã 30 năm trôi qua nhưng thi thoảng tôi vẫn thấy sợ bởi biết đâu đấy thảm họa một lần nữa lại xảy ra với người dân quê tôi. Nếu sự thật mà như thế thì thật sự quá kinh hoàng”.
Dan cu nguoi canh…doanh nghiep khai thac cat vi so vo de-Hinh-2
Ông Đỗ Duy Hoạt chỉ nơi con đê bị vỡ năm 1986. 
Dẫn PV Người Đưa Tin ra sông Lô, chỉ vào sườn đê - nơi mà cách đây 30 năm đã xảy ra vụ vỡ đê lịch sử, nhấn chìm mọi tài sản, mồ mả của người dân địa phương, ông Nguyễn Hữu Bắc, trưởng thôn Yên Kiều cho biết: “Năm đó nước lớn bất thường. Cơn lũ dữ chẳng khác gì một con cá kình khổng lồ ngoạm thẳng vào sườn đê biến toàn vùng ngập trong biển nước.
Sau khi nước rút, nhà nước đã cho đắp đê, dựng kè ở nơi đã bị vỡ để chống xói mòn. Nhưng cho đến thời điểm này thì toàn bộ số kè đó đã bị xụt lún, điểm vỡ đê lại gần với mặt sông Lô hơn bao giờ hết”.
Ngay ngáy nỗi lo lặp lại thảm kịch
Có mặt tại xã Tứ Yên tại thời điểm này, có thể dễ dàng nhận thấy mối lo sợ của bà con bởi họ lo ngại rằng nếu tình trạng khai thác cát diễn ra rầm rộ như hiện tại thì chẳng mấy chốc cơn lũ lịch sử năm 1986 lại trở về.
Ông Hoạt cho biết, trước đây khi chưa có doanh nghiệp nào vào khai thác cát sỏi thì bà con thoải mái canh tác trên bãi bồi. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại thì chẳng còn bao nhiêu bởi phần lớn đã sạt lở xuống sông mà nguyên nhân chính là do nguồn lợi cực lớn của quá trình khai thác cát.
Theo những người dân địa phương, khi doanh nghiệp Thái An được cấp mỏ khai thác cát ở địa phương, đơn vị này đã có cam kết là chỉ khai thác từ 6h đến 18h và trong phạm vi được cấp phép. Thế nhưng, khi nguồn lợi cực lớn từ cát khiến cho doanh nghiệp này vi phạm những nguyên tắc mà công ty Thái An đã cam kết với người dân.
Dan cu nguoi canh…doanh nghiep khai thac cat vi so vo de-Hinh-3
Bãi bồi bị sạt lở nghiêm trọng, sát vào chân đê. 
Theo đó, khoảng 10h cho đến 15h, khi thấy người dân không có mặt tại bãi bồi thì hàng chục tàu cuốc, cẩu móc cát được doanh nghiệp huy động tiến sát bãi bồi tiến hành tận thu. Chính vì nguyên cớ đó, chỉ một thời gian ngắn bãi bồi bị dòng nước cuốn đi. Phần lớn đất canh tác, hoa màu của bà con cũng ngày một mất. Nhưng nguy hại hơn cả là bãi kè nơi xảy ra vụ vỡ đê năm 1986 cũng bị trôi tuột, để lại bờ bãi nham nhở, lún sụt.
“Nước lên thì không nhìn thấy rõ. Nhưng khi nước rút thì dễ dàng nhận ra những nơi sạt lở, đặc biệt là bờ kè đã lộ rõ những bãi lở hàm ếch. Nếu không ngăn chặn tình trạng khai thác cát thì chẳng mấy chốc thảm họa sẽ xảy ra” – ông Nguyễn Văn Hải, một người dân địa phương lo ngại.
Cũng theo những người dân địa phương, lo ngại trước hiểm họa có thể diễn ra bất cứ lúc nào, người dân xã Tứ Yên, nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên cấp trên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà doanh nghiệp Thái An vẫn tiến hành khai thác cát mặc cho người dân vẫn canh cánh nỗi lo.
Không còn cách nào khác, người dân của ba thôn Yên Kiều, Yên Lập, Yên Mỹ cắt cử người trông coi doanh nghiệp khai thác cát. Để tiện bề thông báo, họ đành phải góp tiền mua trống, khiêng kẻng ra tận mé sông ăn trực, nằm chờ.
Dẫn chứng cho hành động của doanh nghiệp Thái An, ông Nguyễn Duy Hoạt cho biết, khoảng 8h30 ngày 10/7, phát hiện máy cẩu cùng thuyền của doanh nghiệp Thái An đang khai thác cát ở giáp bờ đất bãi trồng ngô (bên đò ngang xã Tứ Yên) nên nhân dân đã đề nghị doanh nghiệp này cho máy cẩu ra khỏi khu vực trên.
Tuy nhiên, thay vì di chuyển ra nơi khác, nhân viên của doanh nghiệp Thái An còn đe dọa, thách thức lại quần chúng nhân dân. “Hành động đó của họ khiến cho người dân địa phương rất bức xúc. Chẳng nhẽ họ có tiền, có quyền thì muốn làm gì cũng được hay sao?” ông Hoạt bức xúc.
Được biết, trước hành động của doanh nghiệp Thái An, nhiều lần người dân địa phương đã thông báo cho UBND xã Tứ Yên cũng như Công an huyện Sông Lô xuống giải quyết. Tuy nhiên khi phát hiện thấy bóng dáng của cơ quan chức năng, những phương tiện khai thác cát của đơn vị này lại rời vị trí, di chuyển ra khu vực được cấp phép.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Quang Sỹ, Chủ tịch xã Tứ Yên đã thừa nhận tình trạng bất ổn tại địa phương mà nguyên nhân chính là do quá trình khai thác cát của doanh nghiệp Thái An. Ủy ban xã đã báo cáo toàn bộ sự việc lên UBND huyện Sông Lô để lên phương án giải quyết.
“Do mỏ khai thác cát dưới nước nên rất khó có thể phân định được mốc giới. Một điều nữa cũng cần phải nói đến đó chính là tỉnh đã cấp phép cho đơn vị này khai thác cát quá gần bờ bãi nên mới dẫn đến tình trạng sạt lở như bà con phản ánh” – ông Sỹ cho biết thêm.
Cũng trong buổi làm việc này, ông Sỹ cũng kiến nghị lên cấp trên nhằm giảm bớt sự căng thẳng, cũng như đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương: “Tôi hy vọng rằng, Ủy ban tỉnh cũng như Sở TN&MT nên thu hẹp địa giới khai thác hoặc cho doanh nghiệp Thái An tránh xa khỏi địa điểm nơi xảy ra sạt lở”.
Dan cu nguoi canh…doanh nghiep khai thac cat vi so vo de-Hinh-4
Hai chiếc tàu bị người dân thôn Long Châu, bắt giữ và đốt cháy.
Như báo Người Đưa Tin đã thông tin, sáng ngày 7/4, hàng trăm người dân thôn Long Châu, xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã bất ngờ quây, bắt giữ hai chiếc tàu (một tàu cuốc cát và một tàu vận chuyển) của doanh nghiệp Thái An, đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo người dân địa phương đây chính là những chiếc tàu thường xuyên hút, nạo vét trộm cát sỏi trên dòng sông Lô, thuộc địa phận của thôn Long Châu, xã Vĩnh Phú. Bức xúc về việc này, chiều cùng ngày, người dân địa phương đã dội xăng đốt cháy một tàu cuốc của doanh nghiệp Thái An.
>>> Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)