Đâm chìm tàu cá Việt Nam: Không phải lần đầu... Trung Quốc ngang ngược, phi pháp

Google News

(Kiến Thức) - Hành động phi pháp của tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi (Việt Nam) tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Việt Nam và quốc tế kịch liệt lên án. Tuy nhiên, không phải lần đầu... Trung Quốc ngang ngược, phi pháp.

Kịch liệt lên án hành vi vô nhân đạo của tàu Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá Việt Nam
Mới đây, Hội Nghề cá Việt Nam đã có Công văn số 20/HNC-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động vô nhân đạo nói trên của phía Trung Quốc đã gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam khi đang khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối với phía Trung Quốc yêu cầu chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Dam chim tau ca Viet Nam: Khong phai lan dau... Trung Quoc ngang nguoc, phi phap
 Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: Ngư dân cung cấp trên báo Thanh Niên.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Cùng đó, đề nghị các lực lượng chức năng của Việt Nam tăng cường tuần tra, giám sát để kịp thời hỗ trợ và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển; kiên quyết, kịp thời phối hợp ngăn chặn những hành động tấn công, uy hiếp để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển sản xuất.
Trước đó, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 08 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe doạ an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Bà Hằng cho biết, ngày 3/4/2020, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thoả đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Mỹ lên án hành động của tàu Trung Quốc
Ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus bày tỏ quan ngại sâu sắc liên quan hành động trên của tàu Trung Quốc và cho rằng, đây là vụ việc mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố hàng hải trái pháp luật và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
Người phát ngôn Mỹ nói kể từ khi bùng phát đại dịch toàn cầu viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho hạ cánh máy bay quân sự đặc chủng xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Spratly (Trường Sa).
Dam chim tau ca Viet Nam: Khong phai lan dau... Trung Quoc ngang nguoc, phi phap-Hinh-2
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus. 
Bà Ortagus cho biết, tháng 7/2016, cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên hợp quốc coi là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ có chung quan điểm này.
"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tập trung vào việc ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu COVID-19, đồng thời chấm dứt ngay việc lợi dụng sự sao lãng hoặc dễ tổn thương của các nước khác hòng mở rộng các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông", thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Không phải lần đầu tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải cảnh của Trung Quốc gây ra những hành động phi pháp, ngang ngược khi đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi (Việt Nam), trước đó nhiều tàu đánh cá của Việt Nam cũng đã bị tàu Trung Quốc tấn công.
Ngày 5/10/2019, tại khu vực phía Nam Đông Nam tỉnh Khánh Hòa khoảng 112 hải lý, tàu cá BĐ 91386 TS của Bình Định bị 3 tàu Trung Quốc truy đuổi không cho đánh bắt.
Trước đó, ngày 26/9/2019, tàu cá ĐNa 90929 TS với 9 lao động của Đà Nẵng bị phá nước, chìm cách phía Đông đảo Bạch Quy (Quần đảo Hoàng Sa) khoảng 5 hải lý, cách phía Đông Đà Nẵng khoảng 210 hải lý. Tuy nhiên, khi đang trục vớt tàu và tài sản, phía Trung Quốc điều một ca nô ra ngăn cản hoạt động trục vớt tàu chìm của ngư dân.
Vào ngày 6/3/2019, tại khu vực đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa), tàu cá của ông Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, phun vòi rồng, ép vào rạn đá ngầm khiến tàu chìm. 5 ngư dân trôi dạt trên biển trước khi được tàu bạn ứng cứu. Thời điểm đó, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết tần suất các vụ đâm va của tàu Trung Quốc với tàu cá của ngư dân Việt Nam ở 2 vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. "Trước đây họ chỉ xua đuổi, nhưng bây giờ cứ nhìn thấy tàu Việt Nam là họ lao tàu ra ủi chìm", ông Thắng khi đó cho biết.
Trước đó, ngày 9/7/2016, tại khu vực cách đông đông nam đảo Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 hải lý, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90479TS cùng 5 ngư dân cũng đã bị 2 tàu hải cảnh Trung Quốc mang các số hiệu 46102 và 56103 truy đuổi, đâm chìm.
Vào ngày 1/1/2016 khi tàu cá QNg 98459 đang trên đường đi từ Đà Nẵng ra vị trí cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 70 hải lý thì bị một tàu cá vỏ thép của Trung Quốc đâm chìm. Thời điểm đó, 10 ngư dân trên tàu may mắn thoát chết do được các tàu cá của Quảng Ngãi ứng cứu kịp thời.
Đây chỉ là một số vụ việc cho thấy hành vi ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc khi gây hấn, đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho thấy, khoảng 3h ngày 2/4/2020, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS công suất 420CV do ông Trần Hồng Thọ (SN 1987 ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 thuyền viên khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở tọa độ 16°42’N - 112°25’E.
Sau khi đâm chìm tàu cá Việt Nam, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm. Sáng cùng ngày, khi nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng đã cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.
Các tàu cá này bị tàu Trung Quốc truy đuổi, hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS bị bắt, bị lai dắt vào đảo Phú Lâm. Đến khoảng 18h ngày 2/4, phía Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929TS, QNg 90045 TS và thả về.
>>> Mời độc giả xem thêm video Việt Nam lên án tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế

Nguồn: VTC News.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)