Đại tá Mai Văn Tấn, nguyên trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM từng là một hình ảnh điển hình của lực lượng SBC, đi xe rất điêu luyện và tài bắn súng siêu đẳng. Những vụ án mà vị Đại tá từng trực tiếp khám phá đã nức lòng người dân Sài Gòn nhưng ông rất ít kể lại và khi được hỏi thì luôn bảo rằng “đó là công việc mà mỗi người Cảnh sát đều phải làm”
Những ngày tháng oai hùng
Đại tá Mai Văn Tấn là một trong những người đầu tiên đứng trong hàng ngũ của đội SBC, ông là một trong những nhân tố nổi bật nhất của đơn vị huyền thoại. Cùng với Lý Đại Bàng, Dương Minh Ngọc… Đại tá Mai Văn Tấn là một trong những trinh sát thuộc diện “tốp đầu” của đội SBC Sài Gòn vào giai đoạn mới thành lập.
Có khả năng đi xe xuất chúng và tài bắn súng được đồn đại là “bách phát bách trúng”, Đại tá Tấn từng là nỗi khiếp đảm đối với tội phạm ở Sài Gòn. Khi mà ông đã ngồi lên chiếc xe 67, tay kéo ga thì có nghĩa là một tên tội phạm nào đó đã lọt vào tầm ngắm và dĩ nhiên là nó không thể nào chạy thoát…
|
Đại tá Mai Văn Tấn trong lần nhận Huân chương chiến công Hạng 3. |
Kể về những ngày còn góp mặt trong lực lượng này, Đại tá Tấn chia sẻ, khi đó đã tham gia SBC là phải máu lửa, quyết không khoan nhượng với tội phạm, chấp nhận hi sinh khi làm nhiệm vụ…
Lính SBC khi đó có những đặc quyền, đặc lợi riêng như: khi truy đuổi tội phạm có thể chạy vào đường ngược chiều, vào đường cấm; SBC sử dụng vũ khí đặc biệt, bắn đạn thật; khi bắn 2 phát cảnh cáo nhưng tội phạm không chống trả thì có quyền bắn hạ hoặc là bắn hạ ngay lập tức nếu tội phạm có vũ khí nguy hiểm…
Vị Đại tá này cho rằng, sự máu lửa của mỗi cán bộ, chiến sĩ là yếu tố quan trọng nhất. Trong những cuộc truy đuổi tội phạm, đôi khi chỉ một thoáng chần chừ, thiếu quyết liệt là cục diện có thể thay đổi.
Và một điều quan trọng nữa đó là, khi đấu tranh với tội phạm trinh sát hình sự luôn phải thể hiện sự mạnh mẽ, quyết liệt bất cứ lúc nào để chúng phải cảm thấy khiếp sợ mà không dám gây án.
Có sự đóng góp không nhỏ để khám phá thành công những vụ trọng án như khám phá vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ; tướng cướp Điền Khắc Kim, băng cướp Bông Hồng Trắng, vụ án Mã Ngưu (tức tướng cướp Tín Mã Nàm), giải cứu 11 em bé bị bắt cóc đưa lên vùng rừng núi Lâm Đồng, vụ thảm sát ở nhà quận chúa Mộng Hoa…
Đại tá Mai Văn Tấn thường bảo rằng, đó là công việc, là nhiệm vụ mà khi đã tham gia đội SBC thì phải làm. Ông nghĩ rất đơn giản, không quá phức tạp nhưng hiệu quả công việc phải đảm bảo đúng 100% theo kế hoạch đã đề ra.
Và rồi những ngày tháng làm việc trong đội SBC đã giúp cho Đại tá Tấn có được những kinh nghiệm quý báu để rồi sau này khi ông trở thành Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, cái chất của đội SBC huyền thoại vẫn luôn hiện hữu trong ông và nó như là một sự tiếp nối của hình dáng huyền thoại…
Cuộc đối đầu với Bình Kiểm
Năm 2005, dư luận TP.Hồ Chí Minh chấn động với vụ bắt cóc thiếu gia Trầm Trọng Ngân - con trai trưởng của đại gia Trầm Bê. Số tiền chuộc bị yêu cầu lên tới 10 triệu đôla, được đánh giá là vụ bắt cóc lớn nhất từ trước đến nay. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, chỉ sau 34 giờ, kẻ bắt cóc đã phải tra tay vào còng.
Chủ mưu trong vụ ra tay tàn độc này là Bình “kiểm” và cũng là cao thủ mà Năm Cam phải nể mặt. Cuối năm 2001, Năm Cam và đồng bọn nối gót vào tù thì Bình “kiểm” lại nổi lên với chức ông trùm bởi sự tàn độc, liều lĩnh.
So với các tay anh chị khác, Bình “kiểm” không vai u, thịt bắp mà nhỏ con, chỉ hơn 1m60, hay nở nụ cười híp cả đôi mắt một mí chứ không lạnh tanh như các “đồng nghiệp”. Bình “kiểm” thích rẽ tóc hai mái vốn thịnh hành thời điểm đó. Khuôn mặt hắn không có gì là hung tợn nên mới có biệt danh là “thỏ” hay “cừu non”.
Bình là một đối tượng hình sự cộm cán, vào tù ra tội nhiều lần năm 2000, sau khi được trả tự do thì nhiều người nghĩ rằng gã đã hoàn lương nhưng mọi việc đều không phải thế. Ngày 22.5.2000, Bình đã xông vào một ga- ra ôtô tại Q1 đánh ông chủ Nguyễn Văn Rớt (Việt kiều mới từ Mỹ về) vì dám... từ chối sự bảo kê của gã.
Ông Rớt không ngờ dù có sự chống lưng của Hải “bánh” - đệ tử “anh Năm” - mà Bình “kiểm” còn thách thức. Nếu Năm Cam không ra tay giảng hòa thì hai thằng đầu bò Hải “bánh” và Bình “kiểm” chắc chắn sẽ huyết chiến.
|
Chân dung giang hồ Bình Kiểm. |
Đại tá Mai Văn Tấn khi đó là Trưởng phòng Hình sự đã ngay lập tức cùng với cán bộ, chiến sĩ tiến hành triệu tập để làm việc với bÌnh Kiểm. Trực tiếp hỏi cung đối tượng này, điều mà Đại tá Tấn nhận thấy rõ rệt nhất đó chính là Bình Kiểm rất lì lợm, gian manh và xảo quyệt. Bên ngoài côn đồ là vậy nhưng hắn rất ngán ngại khi giáp mặt với các điều tra viên tại phòng hỏi cung.
Tuy nhiên, sau đó Bình Kiểm đã được thả vì vụ đánh ông chủ ga-ra ô tô chưa đủ để xử lý hình sự. Mặc dù vậy, với con mắt nghề nghiệp đã có kinh nghiệm nhiều năm, Đại tá Tấn nhận định rằng, Bình Kiểm chắc chắn vẫn đang âm mưu thực hiện những phi vụ nào đó chứ không phải gã đã rửa tay gác kiếm.
Gây ra vụ bắt cóc con trai đại gia Trầm Bê, Bình Kiểm thực sự khiến cho dư luận Sài Gòn rúng động. Tuy nhiên, chỉ sau đó một khoảng thời gian ngắn, Bình Kiểm đã bị bắt, con tin được giải cứu thành công và an toàn thì người dân thật sự khâm phục khả năng, sự quyết liệt và bản lĩnh mà mỗi người lính hình sự như Đại tá Mai Văn Tấn có ý nghĩa lớn lao đến nhường nào.