Ba khâu đột phá của TP Hà Nội
Sáng 27/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận các văn kiện Đại hội.
Trình bày tham luận tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá.
|
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham luận tại Đại hội.
|
Thứ nhất, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, có không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; tăng cường phân cấp, ủy quyền; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống, làm cho văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần tiêu biểu, động lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Theo ông Phong, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng 10 Chương trình công tác toàn khóa với nội dung bao trùm tất cả các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Trong đó, có những chương trình đã tiếp thu những quan điểm mới của Đại hội XIII như: Chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô; Chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị… Đồng thời, Thành phố sẽ triển khai việc xây dựng mạng lưới “Sáng kiến Hà Nội” để tập hợp, phát huy tâm huyết, trí tuệ của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân,… có tình yêu, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Hà Nội ở trong nước cũng như quốc tế.
Mong muốn Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, để hoàn thành trọng trách nặng nề và vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô xác định phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo để Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện để lãnh đạo phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Với các điều kiện và lợi thế, Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để “Xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.
Ông Phong cho rằng, sự nghiệp phát triển Thủ đô luôn gắn liền với sự đồng lòng, chung sức của cả nước. Do vậy, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương, bạn bè trong và ngoài nước.
Đồng thời, đề nghị Trung ương cho chủ trương, Quốc hội sớm thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tạo thể chế, môi trường thuận lợi để Hà Nội phát huy hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, đồng thời để Hà Nội thực sự trở thành động lực quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…
Với niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thành công của Đại hội XIII, ông Phong cho biết, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô nguyện nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ Thành phố đặt ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mãi xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, xứng đáng với truyền thống Thủ đô ngàn năm Văn hiến - Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.
Nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật của Hà Nội:
Kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GDP tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, cao hơn bình quân chung cả nước.
Cơ cấu kinh tế của Hà Nội đã và đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tăng nhanh, tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 2,05%.
Đặc biệt, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp vào nền kinh tế - tài chính quốc gia trên 16% GDP, gần 19% thu ngân sách, trên 20% thu nội địa.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa, xã hội tiếp tục có những bước phát triển; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo trong mọi tình huống; diện mạo đô thị, nông thôn có bước chuyển biến mới, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn, khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Mục tiêu của TP Hà Nội:
Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%);
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
>>> Mời độc giả xem thêm video Người dân thủ đô hướng về Đại hội XIII của Đảng
Nguồn: Truyền hình Vĩnh Long.