Đại diện PVN kiến nghị đánh giá lại việc mua ngân hàng 0 đồng

Google News

PVN đề nghị HĐXX kiến nghị Thủ tướng đánh giá lại việc mua ngân hàng 0 đồng, đồng thời cho rằng nhiều bị cáo đã cống hiến cả đời làm việc cho ngành dầu khí… nên mong Tòa xem xét, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Không đòi tiền bị chiếm đoạt
Ngày 23/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng tiền vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank (OJB).
Được tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi lời cảm ơn đến HĐXX và các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện xây dựng một phiên tòa dân chủ, cởi mở. Trước việc kiểm sát viên đề nghị tòa phạt mình từ 30 – 36 tháng tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Sơn khẳng định không cố ý làm sai, bản thân không nắm các quy định của pháp luật… Bị cáo này cũng đồng tình việc kiểm sát viên kiến nghị làm rõ khoản tiền Ninh Văn Quỳnh – nguyên Kế toán trưởng PVN chiếm đoạt.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn- nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (PVN) trình bày phần tự bào chữa. 
Cũng tại tòa, đại diện nguyên đơn dân sự là PVN đề nghị tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Về việc xử lý vật chứng 20 tỷ đồng bị cáo Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt, đại diện PVN nói: “Chúng tôi xét thấy, đây là quan hệ cá nhân phát sinh giữa ông Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh, chỉ liên quan đến tội danh VKSND cáo buộc cho riêng ông Ninh Văn Quỳnh. Đề nghị HĐXX căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án… ra quyết định xử lý vật chứng phù hợp với quy định nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự”. Trước đó, kiểm sát viên đề nghị trả 20 tỷ đồng này cho PVN.
Không nhận lãi ngoài?
Nguyên đơn dân sự cũng mong tòa án xem xét bối cảnh xảy ra vụ án, việc PVN đầu tư vào OJB đã được các cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý; việc góp vốn lần 3 (100 tỷ đồng) vào OJB tuy vi phạm luật các tổ chức tín dụng nhưng lúc đó chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.
Về hậu quả vụ án, PVN cho rằng: “Việc mua lại toàn bộ cổ phần của OJB với giá 0 đồng theo quyết định của NHNN đã chấm dứt tư cách cổ đông của PVN tại OJB. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại chủ trương mua 0 đồng”. Vì vậy PVN tiếp tục đề nghị HĐXX tiếp tục kiến nghị Thủ tướng đánh giá lại việc mua cổ phần của các tổ chức tín dụng với giá 0 đồng cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của PVN.
Đại diện PVN cũng khẳng định tập đoàn không nhận lãi suất ngoài tiền gửi từ OJB hay bất cứ ngân hàng nào khác, nói: “Lời khai của các ông Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB nêu, OJB đã chi tiền chăm sóc khách hàng cho PVN… không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh cho các lời khai trên. Một số luật sư đặt nghi vấn về việc PVN có chủ trương và nhận tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ OJB gây ra định kiến và dư luận bất lợi cho hình ảnh, uy tín của PVN”.
Cuối cùng, đại diện PVN đề nghị: “Mong HĐXX trong quá trình xem xét trách nhiệm pháp lý của các bị cáo, cân nhắc đầy đủ các yếu tố của quá trình điều tra và tại phiên tòa, bối cảnh lịch sử của các sự kiện, nhân thân của các bị cáo; nhiều người trong đó đã cống hiến cả cuộc đời làm việc cho ngành dầu khí và gia đình có truyền thống cách mạng để đưa ra phán quyết công minh, thấu tình đạt lý, bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của họ”.
Theo cáo trạng, từ năm 2008 – 2011, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cùng 6 đồng phạm đã góp 800 tỷ đồng của PVN vào OJB khiến số tiền này “mất trắng” khi OJB bị mua 0 đồng. Ngoài ra, khi Nguyễn Xuân Sơn giữ chức TGĐ OJB đã được Hà Văn Thắm đồng ý chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi. Từ đó, Ninh Văn Quỳnh đã nhận của ông Sơn 20 tỷ đồng để tham mưu cho lãnh đạo PVN chỉ đạo thành viên gửi tiền vào OJB.
Theo Xuân Ân/ Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)