Ứng phó những vấn đề khẩn cấp, chưa có tiền lệ
Nêu ý kiến khi thảo luận hội trường tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh đại dịch COVID-19 như một cơn cuồng phong càn quét, làm mất đi nhiều thứ. Nhưng đại dịch cũng cho chúng ta thấy những lỗ hổng, kẽ hở trong nhiều lĩnh vực, chỉ ra nhiều việc cần phải làm, phải giải quyết.
“Có những việc sẽ mất rất nhiều thời gian để giải quyết, nhưng điều quan trọng nhất cần làm là cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy định của pháp luật để định khung, định hướng, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hiện tại và định hình cho sự phát triển, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh và những bất thường, bất định trong tương lai” – ông Mai nói và bày tỏ tán thành rất cao với các kiến nghị của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục thực hiện một số chính sách theo quy định của Nghị quyết 30.
|
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)
|
Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị cần tổng kết toàn diện thực tiễn chống dịch và những phát sinh trong quá trình chống dịch, cả mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, ghi nhận trung thực thực trạng chống dịch với tinh thần khách quan.
Theo ông, cần phải có cơ chế để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình chống dịch từ các địa phương, các bộ, ngành. Cơ chế, chính sách đó phải như một liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần hăng say, nhiệt huyết, xả thân vì cộng đồng của tất cả các lực lượng tham gia chống dịch, để chúng ta có đủ lực lượng dự phòng ứng phó kịp thời với những vấn đề tương tự trong tương lai.
Cũng nhất trí cao với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, Nghị quyết 30 là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, thể hiện chính sách phải phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, pháp luật có liên quan đến hoàn thiện hơn hệ thống chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế về phòng, chống dịch bệnh cũng như ứng phó với những vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ, nhất là những đại dịch trong tương lai có thể sẽ xảy ra.
Trước mắt, cần thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tăng cường, điều động để tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà đến nay vẫn chưa thanh toán xong, đồng thời có chính sách hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn lực để chi trả, hỗ trợ, có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về hồ sơ, thủ tục bảo đảm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế và người bệnh COVID-19.
Vẫn cần có cơ chế đặc biệt, đặc cách
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cũng băn khoăn hiện nay chưa có cơ chế để các địa phương, đơn vị đã ứng trước hàng hóa, thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp phục vụ "chống dịch như chống giặc”.
Sau khi dịch được kiểm soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn về thanh quyết toán kinh phí; không thể mua hàng hóa đã tạm ứng để trả lại hoặc không có cơ chế thanh toán đặc biệt để hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương)
|
Việc xác định giá các loại hàng hóa tại thời điểm dịch bệnh rất bất cập do nguồn cung khan hiếm, đẩy giá các mặt hàng y tế tăng cao; tham khảo giá trên các trang thông tin của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thông tin, nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm.
“Đây là thực tiễn diễn biến phát sinh phức tạp trong đại dịch, chưa có tiền lệ. Vì vậy, lực lượng chống dịch tại các địa phương trân trọng kiến nghị Quốc hội trên cơ sở quy định của Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ tiếp tục cần có cơ chế đặc biệt, đặc cách về giá, chỉ đạo các cơ quan liên quan xác định và công bố giá hợp lý và có cơ chế đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn” – nữ đại biểu kiến nghị.
Ngoài ra, nghị quyết cho phép được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh nhưng đến khi tình hình được kiểm soát thì việc giải quyết tình trạng dư thuốc, trang thiết bị hóa chất còn chậm.
Hiện có 48 tỉnh, thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong thanh, quyết toán chi phí đối với hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đây là vấn đề cần được phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan trong bối cảnh lịch sử cụ thể và có giải pháp giải quyết theo cơ chế đặc biệt, đặc cách, đặc thù của Nghị quyết 30, để không ảnh hưởng lớn đến tinh thần, tâm lý và hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp nói chung và ngành y tế nói riêng - những lực lượng tuyến đầu trong giai đoạn nguy cấp nhất, khắc nghiệt nhất.
“Để phục hồi và phát triển đất nước bền vững, để hàn gắn và xoa dịu những mất mát, tổn thương quá lớn sau đại dịch, rất cần nhiều chia sẻ, sự động viên, nguồn lực, thời gian, sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó tiếp tục thực hiện những quyết sách đúng đắn, kịp thời đã nêu tại Nghị quyết 30 của Quốc hội là vô cùng cần thiết” – đại biểu Quốc hội bày tỏ.